Cách xử trí nhanh khi trẻ hóc dị vật

author 17:49 14/07/2015

(VietQ.vn) -Gần đây, một trẻ 3 tuổi ở Quảng Ngãi tử vong khi được người nhà đút chôm chôm cho ăn, quả chôm chôm lọt vào đường thở khiến em tử vong do không được sơ cứu kịp thời.

Bé trai 3 tuổi tử vong do hóc quả chôm chôm

Theo tin tức trên báo VnExpress, chiều 14/7, gia đình ông Bạch Văn Sanh cùng người dân thôn Bình Tân, xã Trà Bình, huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi) làm lễ mai táng cho bé Bạch Hữu Trọng (SN 2012). Nguyên nhân cái chết của bé Trọng là do vô tình nuốt phải hạt chôm chôm, gây nghẹn đường thở, do không được cấp cứu kịp thời nên bé Trọng đã tử vong trên đường đi cấp cứu. 

Tai nạn ở trẻ thương tâm do hóc phải hạt chôm chôm

Tai nạn ở trẻ thương tâm do hóc phải hạt chôm chôm

Bác sĩ Đỗ Thành Chung, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết, nhiều khả năng bé Trọng tử vong do quả chôm chôm gây tắc đường thở. Theo ông Chung, trẻ bị hóc dị vật nếu hoảng sợ, khóc thì càng nguy hiểm, onếu không được sơ cấp cứu kịp thời dễ gây tắc đường thở dẫn đến tử vong. Dị vật đường hô hấp và đường tiêu hóa ở trẻ em là những tai nạn sinh hoạt có thể tránh được nhưng lại rất hay gặp ở trẻ nhỏ và có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Tai nạn này ở trẻ phần nhiều là do sự bất cẩn của các bậc phụ huynh.

Cách sơ cứu nhanh khi trẻ hóc dị vật

Với trẻ sơ sinh, cần để bé nằm sấp theo dọc cánh tay tư thế đầu thấp hơn ngực. Một tay đỡ đầu và vai trẻ, tay kia vỗ mạnh vào lưng để dị vật bắn ra ngoài, đừng vỗ quá mạnh gây tổn thương trẻ. Nếu bé bị sặc sữa, bột thì ngậm vào mũi trẻ và hút thật mạnh. Trường hợp trẻ bị bất tỉnh, cần hà hơi thổi ngạt, cố gắng thổi dị vật làm cản đường thở.

Ngoài ra, với trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi, có thể áp dụng biện pháp vỗ lưng, người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực. Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần. Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khidị vật đường thở được tống ra ngoài.

Biết cách sơ cứu khi trẻ bị tai nạn hóc dị vật tránh hậu quả đáng tiếc

Biết cách sơ cứu khi trẻ bị tai nạn hóc dị vật tránh hậu quả đáng tiếc

Với trẻ từ 1 đến 8 tuổi, người sơ cứu quỳ, cho trẻ đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ một bên trẻ, 1 tay đỡ ngực, 1 tay vỗ 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai, nếu dị vật chưa ra thì phối hợp dùng biện pháp ép bụng. Cho trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ ở phía sau trẻ, vòng 2 tay về phía trước bụng của trẻ, 1 tay người sơ cứu nắm lại như nắm đấm đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi ức, bàn tay còn lại nắm bọc ra ngoài bàn tay kia cho chặt lại. Sau đó ép bụng đột ngột 5 lần. Nếu dị vật đường thở chưa được tống ra ngoài, cần làm xen kẽ hai biện pháp cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.

Trong trường hợp trẻ trên 8 tuổi hoặc người trưởng thành bị hóc dị vật, cho nạn nhân đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu đứng ở một bên nạn nhân, 1 tay đỡ ngực nạn nhân, 1 tay vỗ mạnh vào lưng 5 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của nạn nhân. Nếu dị vật chưa được tống ra ngoài thì dùng biện pháp ép bụng như với trẻ từ 1 đến 8 tuổi. 

Lưu ý khi bị dị vật chui vào đường thở không nên cố gắng dùng mẹo, dùng tay để móc ra hoặc vuốt xuôi khi trẻ hóc vì có thể làm dị vật chui sâu vào đường thở khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn. Nếu dị vật vẫn không ra khỏi đường thở, chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất, theo báo Sức khỏe đời sống.

Phương Khanh (T/h)


 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang