‘Tài nguyên’ đổi mới sáng tạo là động lực để phát triển bền vững

author 06:13 14/01/2021

(VietQ.vn) - Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhiều lần nhấn mạnh rằng tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt thì tài nguyên “đổi mới sáng tạo” phải là động lực để phát triển: “Các doanh nghiệp cần hiểu rằng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là con đường ngắn nhất để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích doanh nghiệp hăng hái đầu tư cho nghiên cứu phát triển chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói”.

Thời gian qua, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã liên tục tăng và năm ngoái đứng ở vị trí thứ 45/126 nền kinh tế, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Nếu như trước đây, 70% đầu tư cho khoa học công nghệ là từ ngân sách nhà nước, 30% từ doanh nghiệp, thì nay là 50/50. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp.

Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt thì tài nguyên “đổi mới sáng tạo” phải là động lực để phát triển. Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cái khó là hiện nay ở nước ta, trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhận thức về việc đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế. TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hoá Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa để tồn tại được trong cơ chế thị trường hiện nay đã là rất khó khăn, chứ chưa nói đến việc phát triển, mà muốn phát triển buộc phải ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là những công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp khi còn là doanh nghiệp nhỏ, chưa có điều kiện cũng chưa quan tâm đến việc ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đã tích lũy được nguồn lực, về vốn, con người thì họ bắt đầu nghĩ đến việc phải ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế.

Để giải bài toán trên, chia sẻ câu chuyện thành công của Hàn Quốc trong phát triển công nghệ, từ đó giúp kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng rất nhanh, nhất là giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước, TS. Kym Dongwha - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST) cho rằng: “Tôi nghĩ có thể có nhiều cách. Thông thường thì chúng ta phải đi từng bước một, hoặc cũng có thể nhảy vọt. Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện nay xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp, nên tôi nghĩ có thể đi tắt đón đầu, nhảy vọt bằng cách chúng ta mua công nghệ về, sau đó từng bước từng bước bù đắp và làm chủ công nghệ, để từ đó đi đến cái đích đã định”.

Ở một góc độ khác, các chuyên gia cũng nhận định đi tắt, đón đầu ứng dụng khoa học công nghệ mới, đổi mới sáng tạo trong định hướng phát triển gắn với thị trường, tạo không gian rộng mở phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, song, như vậy là chưa đủ để tạo sự phát triển bứt phát cho đất nước. Lời giải cho bài toán này rõ ràng là phải bắt đầu từ nhận thức và thay đổi tư duy, cần sự chung tay nhà nước - doanh nghiệp - và người dân, để tạo một động lực mới cho phát triển đất nước trong dài hạn.

Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030(VietQ.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 36/QĐ/TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang