Doanh nghiệp Việt nâng cao nhận thức về bảo vệ tài sản trí tuệ

author 17:37 19/12/2015

(VietQ.vn) - Tài sản trí tuệ là giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức đầy đủ và đúng đắn về việc bảo vệ tài sản trí tuệ.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Bảo vệ tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp

Tài sản trí tuệ được bảo vệ, khai thác hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín, khả năng cạnh tranh, doanh thu, thị phần và lợi nhuận. Có những tài sản trí tuệ có giá trị lớn hơn rất nhiều lần so với tài sản hữu hình, chẳng hạn như những thương hiệu có giá trị lên tới hàng chục tỷ đô la như Coca Cola (gần 78 tỷ đô la), Apple (hơn 76 tỷ đô la),... Ở Việt Nam cũng có một số thương hiệu có giá trị tài sản trí tuệ lớn như Trung Nguyên, Petrolimex, Kinh Đô, Việt Tiến,…

Tài sản trí tuệ là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp nên cần được bảo vệ, bảo hộ

Tài sản trí tuệ là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp nên cần được bảo vệ, bảo hộ

Tài sản trí tuệ cũng là kết quả của hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Việc bảo vệ tài sản này là cần thiết để chống lại các hành vi chiếm đoạt, khai thác trái phép các loại tài sản này. Hơn nữa, bảo vệ tài sản trí tuệ là cần thiết để tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo cho doanh nghiệp cơ hội để khai thác độc quyền tài sản trí tuệ trong thời gian nhất định, tạo cho doanh nghiệp cơ hội thu hồi vốn đã đầu tư và khả năng tiếp tục đầu tư để tạo ra các tài sản trí tuệ mới.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ tài sản trí tuệ góp phần chống tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hàng giả, hàng nhái. Nếu doanh nghiệp không quan tâm đến việc đăng ký xác lập và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình thì các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp sẽ có khả năng bị các doanh nghiệp khác chiếm đoạt, doanh nghiệp thậm chí không được khai thác chính tài sản trí tuệ do mình tạo ra.

Thực trạng bảo vệ tài sản trí tuệ ở Việt Nam

Thời gian gần đây, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tài sản trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lý do là bởi trong quá trình sản xuất kinh doanh, không ít doanh nghiệp đã gặp phải các vướng mắc, tranh chấp liên quan đến tài sản trí tuệ. Điều này buộc doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về tài sản trí tuệ, vì thế mà nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề này cũng được cải thiện.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi và giới truyền thông cũng tích cực tuyên truyền về vai trò của tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp. Nhiều chương trình truyền hình về những vấn đề cơ bản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã ra đời, giúp kịp thời cập nhật và giải đáp cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó các doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ và kỹ hơn về vai trò của việc xác lập và bảo vệ quyền đối với các tài sản trí tuệ của mình.

Nhận thức của doanh nghiệp Việt nam về tài sản trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực

Nhận thức của doanh nghiệp Việt nam về tài sản trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực

Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ nhận ra vai trò quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đã quá muộn, nghĩa là khi đã bị doanh nghiệp khác xâm phạm. Đến khi tài sản trí tuệ đó bị người khác khác đăng ký bảo hộ thành tài sản trí tuệ của họ, đến khi bị kiện là sử dụng trái phép tài sản trí tuệ vốn là của mình đã đầu tư công sức để tạo ra, thì doanh nghiệp mới nhận thấy rõ nhất tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.

Chính vì thế, các doanh nghiệp cần phải thấy rằng nếu không có các biện pháp bảo vệ kịp thời tài sản trí tuệ của mình thì sẽ rất có khả năng chịu nhiều thua thiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh. Việc doanh nghiệp giành lại được các tài sản trí tuệ của mình đã bị đăng ký chiếm đoạt là cả một quá trình tốn thời gian, công sức, phải chứng minh, phải tiến hành các thủ tục pháp lý… rất khó khăn, tốn kém.

Để bảo vệ tài sản trí tuệ, đầu tiên các doanh nghiệp phải thực sự quan tâm đến việc đăng ký xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ mà mình tạo ra, phải áp dụng các biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản này. Cụ thể là duy trì tình trạng bảo hộ sở hữu công nghiệp; có chiến lược quản lý, khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ của mình trong sản xuất kinh doanh hoặc chuyển giao cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ của mình.

Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo vệ tốt nhất tài sản trí tuệ của mình

Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo vệ tốt nhất tài sản trí tuệ của mình

Để hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc tạo ra, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ được Bộ KH&CN giao là đơn vị triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Một trong những nội dung của Chương trình là hỗ trợ đăng ký, khai thác các sáng chế đã được bảo hộ trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sử dụng cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Thông qua Chương trình này, các doanh nghiệp và địa phương sẽ được hỗ trợ thiết thực về tài chính và phương pháp luận trong việc xác lập, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ.

Cục Sở hữu trí tuệ, thông qua hai Văn phòng đại diện tại TPHCM và TP Đà Nẵng, cùng Trung tâm Hỗ trợ  và Tư vấn cũng trực tiếp thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành các thủ tục đăng ký, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Nguyễn Yên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang