Tầm quan trọng của hoạt động quản trị tài sản trí tuệ

author 17:50 30/11/2015

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh khẳng định: "Hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp, trường, viện là rất quan trọng để tạo một môi trường rộng rãi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn".

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ KH&CN và Sở KH&CN TP HCM vừa tổ chức hội thảo "Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ" và lễ trao Giấy chứng nhận quản trị viên tài sản trí tuệ cho 90 chuyên viên, trưởng bộ phận và giám đốc tài sản trí tuệ tại các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn TP HCM.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh khẳng định: Cùng với quá trình sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ mới, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp, trường, viện là rất quan trọng để tạo một môi trường rộng rãi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển giao áp dụng và nhân rộng các thành quả sáng tạo vào cuộc sống. 

Trên cương vị Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Trần Việt Thanh cho hay, Chương trình Hỗ trợ phát triển Tài Sản Trí tuệ được bắt đầu triển khai từ năm 2006, qua 10 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ hầu hết 63 tỉnh thành trên cả nước, qua đó các địa phương đã xác định được vai trò của công tác sở hữu trí tuệ và nâng cao được nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh và các Quản trị viên tài sản trí tuệ tại hội thảoThứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh và các Quản trị viên tài sản trí tuệ tại hội thảo. Ảnh: VOV

Hiện nay, hầu hết 63 tỉnh thành địa phương đều coi hoạt động sở hữu trí tuệ là một trong những hoạt động rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương và chúng ta đã xây dựng và bảo hộ được một loạt các cái sản phẩm của các địa phương dưới dạng các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Trong đó có các sản phẩm rất nổi tiếng như "nước mắm Phú Quốc". 

“Chúng ta đã thúc đẩy hình thành được các hoạt động về sáng tạo, sáng kiến, sáng chế trong thực tiễn sản xuất kinh doanh cũng như trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, ông Trần Việt Thanh cho biết.

TS. Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM nói rõ thêm việc trong một trường đại học, để điều chỉnh các mối quan hệ trong quá trình tạo lập, ghi nhận, quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ, không chỉ có Quy chế Quản trị Tài sản Trí tuệ hay Quy chế Bảo mật, mà còn cần kể đến vai trò quan trọng của một số Nội quy khác như: Quy định về quản lý hoạt động KH&CN tạo cơ sở cho các quá trình phát triển tài sản trí tuệ mới, Quy định về Đạo đức trong giảng dạy và Nghiên cứu khoa học tạo nền tảng văn hóa trong việc tôn trọng Quyền tác giả, Quyền nhân thân và hội nhập vào môi trường khoa học quốc tế, Quy định về Phân phối thu nhập từ hoạt động Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ góp phần hài hòa lợi ích phát sinh từ các tài sản trí tuệ mới...

Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học SHTT cho biết: Đã rất nhiều tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp có tên tuổi của Việt Nam đã bị chuyển nhượng hoàn toàn quyền sở hữu qua các công ty nước ngoài. Ông Cẩn đã đưa ra nhiều phân tích chi tiết như 81% bên mua lại các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam có quốc tịch từ châu Á và châu Âu, 25% yếu tố thúc đẩy hành vi mua là các quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập, các tác động của quá trình chuyển nhượng tài sản trí tuệ đối với bên bán (doanh nghiệp Việt Nam) và bên mua (doanh nghiệp nước ngoài), các xu hướng chuyển dịch tài sản trí tuệ trong giai đoạn sắp tới và một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt Nam..., đặc biệt là cần có hiểu biết và kỹ năng thực hành về quản trị tài sản trí tuệ.

Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL cho rằng hoạt động quản trị tài sản sở hữu trí tuệ nói chung và đặc biệt là quản trị quyền tác giả có tầm quan trọng rất lớn với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và cả trung học thuộc các lĩnh vực khác nhau trong  ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo ông Hùng, cần xây dựng một hệ thống giáo trình về quản trị tài sản trí tuệ, tổ chức quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ phát sinh trong hoạt động của giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên, thí dụ như các luận văn, đồ án tốt nghiệp của sinh viên khi ra trường tạo nên các tác phẩm như tượng đài, kịch bản điện ảnh, kịch bản sân khấu... 

Thu Huyền (T/h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang