Định giá tài sản trí tuệ bằng phương pháp chi phí quá khứ

author 15:26 04/12/2015

(VietQ.vn) - Bạn đọc hỏi: "Làm thế nào để định giá tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp? Nội dung và ưu nhược điểm của những phương pháp định giá tài sản trí tuệ là gì?"

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Định giá tài sản trí tuệ là cơ sở cho hàng loạt các hoạt động kinh tế quan trọng như chuyển giao tài sản trí tuệ, mua bán, góp vốn, liên doanh… giúp doanh nghiệp xác định được tài sản thực của mình nhằm tạo cơ sở hoạch định chiến lược đầu tư, sản xuất, kinh doanh một cách có hiệu quả, cũng như quản lý các hoạt động tài chính như kiểm toán, kế toán, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chính sách thuế…

Định giá tài sản trí tuệ là cơ sở cho hàng loạt hoạt động kinh tế quan trọng của doanh nghiệp

Định giá tài sản trí tuệ là cơ sở cho hàng loạt hoạt động kinh tế quan trọng của doanh nghiệp

Định giá tài sản được thực hiện bằng nhiều phương pháp và phương pháp tiếp cận theo chi phí là một trong ba phương pháp cơ bản để đánh giá tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Vậy nội dung của phương pháp này như thế nào? Và có ưu nhược điểm gì khi định giá tài sản trí tuệ?

Nội dung phương pháp

Phương pháp tiếp cận theo chi phí dựa trên cơ sở nguyên lý thay thế, nghĩa là giá trị tài sản trí tuệ được ước tính căn cứ vào chi phí để tạo ra tài sản trí tuệ giống hệt hoặc chi phí tạo ra một tài sản trí tuệ thay thế, có cùng chức năng theo giá thị trường. Tóm lại  là phương pháp ước tính giá trị dựa trên căn cứ các tài liệu, số liệu phản ánh nguồn lực tài chính, nhân lực, vật lực đã đầu tư để tạo ra tài sản đó hoặc các tài sản tương đương.

Mục đích của việc sử dụng phương pháp này là để xác định và tổng hợp các chi phí quá khứ đã phát sinh trong quá trình tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, tổng chi phí được coi như giá trị của tài sản trí tuệ đó; hoặc xác định và tổng hợp các chi phí cần thiết để tạo ra một tài sản trí tuệ có khả năng đem lại lợi nhuận trong tương lai giống như tài sản đang được định giá.

Có 3 phương pháp chi phí để định giá tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

Có 3 phương pháp chi phí để định giá tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

Các chi phí đó có thể là chi phí nghiên cứu, phát triển, chi phí cho việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, chi phí bảo hộ, quảng cáo… Các chi phí này sẽ là cơ sở để xác định giá trị của tài sản sở hữu trí tuệ. Các phương pháp chi phí bao gồm:  Phương pháp chi phí quá khứ, phương pháp chi phí tái tạo và phương pháp chi phí thay thế.  Trong bài sẽ đề cập đến việc định giá tài sản trí tuệ bằng phương pháp chi phí quá khứ.

Phương pháp chi phí quá khứ

Đây là phương pháp mà giá trị tài sản trí tuệ được tính bằng tổng các chi phí tạo ra tài sản trí tuệ và bao giờ giá trị của tài sản trí tuệ cũng nhỏ hơn tổng chi phí đó bỏ ra. Giá trị của một tài sản chính là chi phí mà doanh nghiệp đã sử dụng để mua hoặc tạo dựng tài sản đó (ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp mua tài sản thì giá trị tài sản được ghi nhận là giá mua, cộng các chi phí hợp lý khác như phí môi giới, thuế, trừ khấu hao…)

Ví dụ như tài sản trí tuệ là nhãn hiệu X, với các chi phí bỏ ra để có được nhãn hiệu này như sau:

- Chi phí nghiên cứu, sáng tạo ra nhãn hiệu: 100 triệu đồng

- Chi phí đăng ký  xác lập quyền sở hữu trí tuệ: 80 triệu đồng

- Chi phí quảng cáo trên truyền hình, in ấn: 100 triệu đồng

- Chi phí khác như tài liệu liên quan, thủ tục hành chính…: 30 triệu

Giá trị của một tài sản trí tuệ được xác định theo chi phí dùng để mua hoặc tạo dựng tài sản trí tuệ đó

Giá trị của một tài sản trí tuệ được xác định theo chi phí dùng để mua hoặc tạo dựng tài sản trí tuệ đó

Như vậy với nhãn hiệu X khi đưa ra định giá tài sản trí tuệ thì theo phương pháp này giá trị của Nhãn hiệu X không lớn hơn tổng chi phí bỏ ra là 310 triệu đồng.

Tuyết Trinh

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang