Tại sao Bộ Công Thương ‘tuýt còi’ vị trí Tổng giám đốc VEAM

author 07:33 05/01/2020

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương vừa có công văn yêu cầu bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) chưa đưa nội dung giới thiệu ông Phan Phạm Hà giữ chức TGĐ khi họp hội đồng quản trị doanh nghiệp này.

Nguyên nhân Bộ Công Thương chỉ đạo tạm dừng việc giới thiệu giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại VEAM đối với ông Phan Phạm Hà là do “Bộ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh nội dung tại văn bản số 81 mà bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM báo cáo lên Bộ ngày 31/12/2019”.

 Ông Phan Phạm Hà - VEAM

Tại văn bản số 81 nêu trên, bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM đã có những phân tích lo ngại về năng lực của ông Phan Phạm Hà. Đáng chú ý nhất là việc Công ty Cơ khí Hà Nội (HAMECO) - nơi ông Phan Phạm Hà làm Tổng giám đốc từ tháng 6/2016 đến nay  bị lỗ liên tục trong giai đoạn 2017 - 2019 một khi tính đúng chi phí khấu hao theo quy định của Bộ Tài chính.

Đặc biệt, bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM lo ngại, với cơ cấu vốn, công nợ, tài sản, doanh thu như hiện nay, dự báo hoạt động của HAMECO sẽ tiếp tục lỗ và mất cân đối tài chính trong những năm tới.

Văn bản số 81 cũng dẫn báo cáo tài chính của HAMECO cho hay, doanh thu năm 2017 và 2018 của công ty này chỉ đạt lần lượt 230 tỷ đồng và 364 tỷ đồng, mức rất thấp so với vốn chủ sở hữu 645 tỷ đồng.

Trong số này, doanh thu từ sản xuất công nghiệp đạt khoảng 200 - 250 tỷ đồng/năm, tức là quy mô về sản xuất và doanh thu của HAMECO rất nhỏ so với một số công ty con vốn rất nhỏ của VEAM.

Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM cho rằng với chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm điều hành HAMECO như hiện nay, ông Phan Phạm Hà không thể phù hợp để Bộ Công Thương giới thiệu làm Tổng giám đốc VEAM.

Nếu ông Hà có năng lực thực sự thì trước tiên cần chứng minh bằng việc vực dậy ngành nghề và thương hiệu HAMECO.

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng năm 2019, công ty đạt doanh thu 3.352 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận đến từ công ty liên doanh, liên kết và tiền gửi nên lợi nhuận sau thuế của VEAM tăng lên hơn 5.151 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung tuần tháng 12 vừa qua, VEAM đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc chi trả cổ tức năm 2018. Cụ thể, VEAM sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 38,84%. Với gần 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Công ty sẽ chi ra 5.161 tỷ đồng để thanh toán cổ tức trong đợt này.

Bộ Công Thương hiện đang nắm giữ gần 88,5% cổ phần tại VEAM, sẽ nhận gần 4.566 tỷ đồng trong đợt cổ tức vào đầu năm 2020. Đây là đợt chi trả cổ tức tiền mặt thứ hai của VEAM kể từ ngày đầu tiên đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM. Trước đó, vào đầu tháng 8/2018, doanh nghiệp này đã chi hơn 490 tỷ đồng để trả cổ tức cho năm 2017.

Thảo Nguyên (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang