Tại sao có nhiều người không bị điện giật chết

author 06:10 03/09/2017

(VietQ.vn) - Tại sao có nhiều người không bị điện giật chết khi sờ trực tiếp hay cho dòng điện hàng ngàn volt chạy qua nhưng không hề cảm thấy đau đớn.

Tại Việt Nam, ông Huỳnh Văn Khải (ngụ tại thôn Phú Tiên 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) không chỉ có khả năng “hút” đồ vật, cả bằng kim loại và phi kim loại, mà còn có khả năng “chơi” với điện lưới 220V, khi dùng tay trần sửa điện.

Trường hợp của ông Khải khá đặc biệt và hiếm gặp, vì kể từ khi phát hiện năm 2007, sau gần 10 năm, đến nay khả năng của ông chưa hề bị mất đi. Việc ông Khải không bị điện 220V giật không hề khó hiểu dưới quan điểm khoa học.

Hay Naresh Kumar, một người đàn ông 42 tuổi ở thành phố Muzzafarnagar thuộc bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ, khẳng định cơ thể ông có khả năng cách điện bẩm sinh, ngay cả với dòng điện cao thế, Kumar tự chứng minh khả năng kỳ lạ của mình bằng cách nắm chặt dây điện hở để hút dòng điện 1.100V khi cảm thấy đói.

Kumar, người làm việc trong một bệnh viện công, phát hiện ra khả năng "ăn điện" của mình cách đây 6 năm khi vô tình đụng vào dây điện. Kumar đã thử chạm vào các thiết bị điện khác nhau như dây may-so hay bóng đèn cao áp. Ông thậm chí còn ngậm dây điện hở trong miệng mà không hề bị giật. Bút thử điện cho thấy trong người ông có dòng điện chạy qua nhưng ông không hề cảm thấy đau đớn.

Theo khoa học, khi sờ vào điện, hệ thần kinh của chúng ta sẽ bị kích thích. Ta thấy cảm giác tê tê hoặc đau; đó là sự kích thích hệ thần kinh cảm giác. Ta cũng thấy bị giật; khi đó hệ thần kinh vận động bị kích thích. Cảm giác chỉ bị tê nhẹ hay rất đau, cũng như bị giật nhẹ hay mạnh phụ thuộc chủ yếu vào cường độ dòng điện. Cường độ dòng điện lớn thì ta bị đau và bị giật mạnh.

Trên quan điểm vật lý và sinh học, sự kích thích thần kinh không phụ thuộc vào điện thế, mà chỉ phụ thuộc vào cường độ dòng điện và thời gian tác dụng.

Naresh Kumar có thể ngậm dây điện trong mồm mà không bị giật

Theo định luật Ohm, cường độ dòng điện không chỉ phụ thuộc vào điện thế (điện thế càng cao thì cường độ dòng điện càng lớn), mà còn phụ thuộc vào điện trở (điện trở càng cao thì cường độ càng nhỏ). Với người bình thường, do điện trở cơ thể tương đối nhỏ, nên điện thế 220V có thể tạo một dòng điện khoảng 10-20 mA chạy qua người. Dòng điện đó đủ mạnh để kích thích cả thần kinh cảm giác và thần kinh vận động. Khi đó ta thấy bị điện giật rất đau. Quan trọng hơn, dòng điện đó đủ mạnh để gây ngừng tim và ngừng hô hấp, có thể khiến nạn nhân tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách.

Với những “người điện” do có điện trở lớn (có thể do hệ tế bào sừng ở da có cấu trúc đặc biệt), nên điện lưới 220V chỉ tạo được một dòng điện cỡ một vài mA chạy qua người. Dòng điện đó chỉ đủ độ lớn để kích thích nhẹ hệ thần kinh cảm giác, nên ông Khải chỉ cảm thấy tê tê một chút. Nó hoàn toàn không đủ để kích thích hệ thần kinh vận động, nên ông không bị giật. Và tất nhiên nó lại càng không thể làm ngưng tim và ngưng hô hấp đối với ông Khải (các nguyên nhân dẫn tới chết người).

Yếu tố thứ hai là thời gian tác dụng. Yếu tố này có thể không quan trọng với các dòng điện quá nhỏ, nhưng đóng vai trò quyết định với các dòng điện đủ lớn để gây ngưng tim và ngưng hô hấp. Các số liệu thu thập từ các vụ tai nạn điện cho thấy, thời gian tác dụng của dòng điện càng lớn thì khả năng tử vong càng cao. Chẳng hạn thời gian tác dụng 1 phút ứng với tỉ lệ tử vong chỉ 5%; trong khi với thời gian 5 phút, tỉ lệ tử vong lên tới 99%, cho dù nạn nhân được cấp cứu kịp thời và đúng cách.

 Lê Cao (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang