Tại sao 'ông lớn' bia Sài Gòn không phải nộp khoản tiền gần 2,5 nghìn tỷ đồng cho nhà nước?

author 07:17 01/01/2020

(VietQ.vn) - Bia Sài Gòn thông báo ngày 30/12 công ty nhận được Công văn 1624/KTNN-TH ký ngày 25/12 của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến kiến nghị nộp ngân sách nhà nước.

Mới đây, Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; Mã SAB) thông báo ngày 30/12 công ty nhận được Công văn 1624/KTNN-TH ký ngày 25/12 của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến kiến nghị nộp ngân sách nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016 của hãng bia này.

Nộ dung công văn cho biết Kiểm toán Nhà nước đã bỏ kiến nghị Sabeco phải nộp ngân sách nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016 là hơn 2.495 tỉ đồng tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Sabeco. Do đó, Sabeco không phải nộp ngân sách nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016 nêu trên. 

 'Ông lớn' bia Sài Gòn không phải nộp khoản tiền gần 2,5 nghìn tỷ đồng cho nhà nước?

Trước đó, vào tháng 2/2018, Kiểm toán Nhà nước ban hành báo cáo kiểm toán năm 2016 tại Sabeco và có kiến nghị một số vấn đề liên quan đến phân chia lợi nhuận để lại đến ngày 31/12/2016 là hơn 2.495 tỉ đồng và chưa chia cho cổ đông; việc trích lập dự phòng đối với 10 khoản đầu tư ngoài ngành có giá trị 444,7 tỉ đồng…

Tháng 4/2018, Bộ Công Thương yêu cầu Sabeco thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước; yêu cầu Sabeco tạm nộp toàn bộ 2.495 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với khoản tiền phạt hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế giai đoạn 2007-2015…

Cũng liên quan đến vấn đề trên, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng kết luận này là trái với Luật Doanh nghiệp 2014, không thể và không bao giờ thực hiện được vì nó liên quan đến quyền lợi của hàng ngàn nhà đầu tư. Không thể có chuyện cổ đông nhà nước được nhận cổ tức trong khi hàng ngàn nhà đầu tư không được nhận cổ tức. Nếu thực tế xảy ra như vậy việc nộp 2.495 tỉ đồng không phải là nghiệp vụ chi trả cổ tức cho các cổ đông…

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 3/2019, tổng doanh thu hợp nhất của Sabeco là 9.804 tỷ đồng, tăng 1.240 tỷ đồng (14%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là 9.745 tỷ đồng (tăng 14%), doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh 44%, đạt 251 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.459 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Phần lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.386 tỷ đồng, tăng 42%. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Sabeco đạt 28.321 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.279 tỷ đồng, tăng mạnh 23% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 30/09/2019, vốn chủ sở hữu của Sabeco xấp xỉ 19.000 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ so với thời điểm đầu năm, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 10.300 tỷ đồng.

Còn tập đoàn mẹ ThaiBev, theo báo cáo năm tài chính 2019 (kết thúc 30/9/2019), ThaiBev ghi nhận doanh thu khoảng 205.000 tỷ đồng và lãi ròng tăng 33% vượt mức 20.000 tỷ đồng. Riêng doanh thu mảng bia tăng 27% lên 92.000 tỷ đồng và lãi ròng cao gấp rưỡi năm ngoái đạt khoảng 2.400 tỷ đồng nhờ hợp nhất nhà máy bia tại Việt Nam.

Với sự tăng trưởng cao, mảng bia của ThaiBev lần đầu vượt tỷ trọng mảng rượu khi chiếm gần 45% tổng doanh thu. Dù vậy, mảng rượu vẫn là nguồn lợi nhuận lớn nhất của tập đoàn đồ uống này khi đóng góp 88% tổng lãi ròng, trong khi mảng bia chỉ chiếm tỷ trọng hơn 14%.

Một số thương hiệu nổi tiếng ngoài bia của ThaiBev có thể kể đến như các thương hiệu rượu SongSam, Ruang Khao, Hong Thong, nước giải khát 100Plus, sản phẩm sữa Magnolia, hãng thực phẩm Oishi, hãng nước Crystal, KFC.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang