Tại sao thực phẩm sạch khó vào bếp ăn nhà trường?

author 06:35 02/06/2016

(VietQ.vn) - Giá thịt VietGap do nuôi theo quy trình, tốn thêm chi phí nên đương nhiên phải cao hơn heo thường vài ngàn đồng vậy là các bếp ăn chê mắc.

Thực phẩm sạch vẫn khó vào bếp ăn nhà trường

Sở Giáo dục đào tạo TPHCM vừa tổ chức buổi kết nối với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.

Mục đích là giúp các trường học gặp gỡ, tìm hiểu các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm trên địa bàn nhằm tìm ra nguồn cung cấp thực phẩm ổn địch, chất lượng, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, đây là việc làm được đánh giá là cần thiết để các các bếp ăn nhà trường chăm lo tốt hơn cho sức khỏe học sinh…

Tại buổi kết nối, có khá nhiều HTX, trang trại sản xuất rau an toàn, nấm, thịt gà, các doanh nghiệp kinh doanh giết mỗ, chế biến thực phẩm.

Nguồn hàng đem đến phong phú. Tất cả đều có giấy chứng nhận sản xuất an toàn. Chỉ còn chờ các cơ sơ bếp ăn nhà trường đặt hàng.

Ấy vậy mà, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ, rất khó để thực phẩm sạch tiếp cận được vào trường học.

Có đủ thứ lý do được bà Thắm kể ra. Nhưng quan trọng nhất, theo bà là các trường học không thích cho học sinh…ăn thực phẩm sạch.

Nghe qua có vẻ phi lý, tuy nhiên đây lại là câu chuyện hoàn toàn có thật. Bà Thắm giải thích: Công ty An Hạ bán thịt heo VietGap.

Giá thịt VietGap do nuôi theo quy trình, tốn thêm chi phí giám sát nên đương nhiên phải cao hơn heo thường một vài ngàn đồng. Vậy là các bếp ăn trường học chê mắc.

Họ đòi hỏi bán ngang giá heo chợ mới mua. Vì nghĩ đến sức khỏe các cháu nên công ty chấp nhận không có lời để bán cho họ. Họ vẫn đòi yêu sách thêm là phải ghi giá trên hóa đơn cao hơn giá thực tế.

Đến nước này thì công ty chịu, không hợp tác được nữa.

Bà Thắm kể thêm rằng từ khi thị trường nháo nhào với thông tin heo có chất tăng trọng thì cũng có nhiều nhà trường liên hệ đến công ty để lấy thịt heo VietGap.

Trước khi mua, các cơ sở bếp ăn thường đòi hỏi đủ thứ giấy tờ. Từ giấy chứng nhận VietGap, giấy kiểm dịch thú y, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận cơ sở giết mổ an toàn…cho đến giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên, khi đã có đầy đủ tất cả các loại giấy tờ rồi thì các bếp ăn lại chỉ lấy mỗi ngày…vài ba kg thịt.

Sở dĩ họ phải đòi hỏi đầy đủ giấy tờ hợp lệ, theo bà Thắm, là để đối phó khi có đoàn kiểm tra. Còn lượng thịt VietGap thì chỉ lấy cho có lệ, có khi số thịt này họ chia nhau ăn chứ học sinh làm gì được ăn.

Đa số trường học đều tổ chức đấu thầu bếp ăn trường học. Các cơ sở tư nhân bên ngoài thường trúng thầu và họ phải hạch toán lời lỗ trên mỗi suất ăn học sinh nên phải tìm nguồn thực phẩm có giá rẻ nhất.

Tiểu thương chợ đầu mối kể thường bán thịt ế cho các bếp ăn tập thể, trong đó có trường học vào buổi cuối phiên.

Giá loại thịt này nhiều khi chỉ bằng 50% so với thịt đầu phiên chợ vì không còn tươi, còn ngon nữa. Cũng có khi bán không hết, tiểu thương đem về dùng thuốc bảo quản, thường là họ sử dụng hàn the để sáng sớm hôm sau vẫn có thể bán được cho bếp ăn tập thể.

Tương tự như vậy, mớ rau, con cá bị ế vào cuối phiên chợ, chất lượng không còn ngon, còn tươi cũng được đưa vào các bếp ăn tập thể, trong đó có trường học.

Một bà tiểu thương phải có ít nhất hai ba mối bếp ăn để bán hàng thừa, hàng ế. Không cứ gì tiểu thương chợ đầu mối, ngay cả tiêu thương chợ lẻ cũng phải làm như vậy.

Tham dự nhiều buổi kết nối cung cấp thực phẩm với các trường học, bà Thắm khẳng định việc tổ chức chỉ mang tính hình thức.

Rất khó để các nhà cung cấp tiếp cận được các cơ sở bếp ăn nhà trường do các chủ bếp lúc nào cũng muốn tìm nguồn nguyên liệu giá rẻ. Thà rằng chất lượng kém một tí chứ nhất định không mua đắt.

Cũng vì do biết được mánh khóe của các chủ bếp nên có nhiều phụ huynh dù bận bịu công việc nhưng vẫn không cho con cái học bán trú vì họ sợ con em mình ăn phải thực phẩm bẩn.

Minh Khoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang