Tâm sự nghẹn đắng của người phụ nữ 24 năm gắn bó với nghề lao công nhọc nhằn

author 14:27 29/08/2017

(VietQ.vn) - Suốt 24 năm gắn bó với nghề lao công, người phụ nữ 47 tuổi xúc động nhắc lại những nỗi tủi hờn của mình và nghị lực làm việc của chị để giữ gìn vệ sinh cho các khu phố.

Trong xã hội hiện nay, lao công là một nghề đáng trân trọng vì những người lao công đã bỏ ra công sức lao động để mang đến môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nhiều người làm nghề này lại bị coi thường khiến họ cảm thấy vô cùng tủi thân.

Mấy ai hiểu hết được những nỗi nhọc nhằn mà những người lao công phải trải qua hết năm này đến năm khác để có thể đem lại những đường phố, con ngõ sạch tinh tươm cho các đô thị lớn nhỏ trên cả nước.

Câu chuyện sau đây của một người phụ nữ gắn bó với nghề công nhân vệ sinh môi trường suốt 24 năm sẽ khiến chúng ta hiểu hơn về những vất vả, nhọc nhằn mà họ phải đối mặt.

Theo Vietnamnet, chị Nguyễn Thị Tuyết (1975) là công nhân vệ sinh môi trường thuộc tổ 16, khu Thái Hà, phường Trung Liệt, Hà Nội đã làm nghề này 24 năm thì chỉ có 1 năm sinh con chị mới được ăn Tết và đón giao thừa tại nhà.

Chị thường làm ca đêm, đều đặn mỗi ngày chị bắt đầu công việc của mình từ 17 giờ chiều và kết thúc vào 2 giờ sáng ngày hôm sau. Ngay cả khi lập gia đình, chị vẫn duy trì giờ giấc làm việc như vậy. 

Chị Tuyết chuân bị dụng cụ trước giờ làm việc. Ảnh: Nhật Linh

Chị Tuyết chuẩn bị dụng cụ trước giờ làm việc. Ảnh: Nhật Linh 

Chị nhớ lại, những ngày mùa đông rét căm căm, khi con nhỏ ở nhà đang khát sữa, ngực chị thì tức căng vì sữa về khiến chị không khỏi tủi thân và cảm thấy mệt mỏi. Chị kể: “Cứ đến 12 giờ đêm là con gái tôi khóc tìm hơi sữa mẹ, bố dỗ kiểu gì cũng không nín. Trời mưa rét, anh ấy một tay bế con nhỏ, một tay dắt con lớn đi ra ngõ. Ba bố con đợi mẹ về”. Đôi lần, cô con gái đầu bẽn lẽn nói với chị: “Mẹ ơi, con thèm ngủ với mẹ một đêm ” khiến chị nghẹn ngào không nói lên lời, vừa thương con, vừa thương mình.

Chính vì vậy, không ít lần người nhà khuyên chị tìm công việc khác làm hoặc đổi sang ca ngày để tối ở nhà với con, bù đắp tình cảm cho con. Nhưng đã quen với nghề, đã bén duyên không thể dứ với nghề, cứ hằng đêm, chị vẫn cần mẫn dưới ánh đèn: “Dẫu sao nghề đã ăn vào máu tôi rồi, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, vậy việc nặng phần ai?”, người phụ nữ 47 tuổi bộc bạch.

Khi các con càng lớn, càng ý thức được mọi thứ xung quanh thì nghề lao công của mẹ cũng nhiều lần khiến những cô bé không khỏi chạnh lòng, xấu hổ với bạn bè. Một lần chị đến trường đón con, con bảo: “Từ lần sau mẹ đừng mặc quần áo lao công đến đón con nữa”. Hiểu được suy nghĩ của con gái, chị nhẹ nhàng: “Con nên tự hào vì mẹ nuôi các con ăn học bằng nghề này chứ mẹ đi không ăn cắp, ăn trộm. Làm nghề nào cũng đáng được trân trọng, miễn là trong sạch”.

Trong suốt 24 năm gắn bó với công việc dọn dẹp vệ sinh vất vả này, chị Tuyết cũng không ít lần xúc động khi nhận được tình cảm, sự giúp đỡ của người dân xung quanh. Chị cho biết, thời gian chị mang thai con gái đầu lòng, kinh tế khó khăn, chị xin cơ quan cho mình làm đến ngày sinh mới nghỉ. Tháng cuối thai kỳ, bụng to khệ nệ, bà con thấy chị đẩy chiếc xe chứa cả “núi” rác liền chạy ra hỏi thăm, đưa cho cốc nước uống…

Hôm đó, dù chưa đến ngày dự sinh nhưng chị lên cơn co, đau đẻ giữa đường. Đang đẩy xe rác, đau quá không chịu được, chị ngồi sụp xuống đất. Người dân đi đường xúm lại giúp đỡ đưa chị đi viện.

Những người lao công đáng được trân trọng và tôn trọng

Những người lao công đáng được trân trọng và tôn trọng 

Kỷ niệm khiến chị nhớ nhất là Tết năm 2016 khi nhiều gia đình quây quần, đón thời khắc giao thừa, chị vẫn mải miết quét đường. Đồng hồ điểm 12 giờ, chị lặng lẽ ngắm dòng người xúng xính áo quần đi trên phố. Vậy là thêm một giao thừa nữa chị không ở bên chồng con. Trong lòng chị không khỏi có chút buồn len lỏi,

Đang miên man suy nghĩ thì chị bất ngờ chiếc xe ô tô sang trọng đỗ lại. Một gia đình đi chơi giao thừa bước xuống chúc Tết và mừng tuổi cho chị. “Họ còn tặng tôi mấy cái bánh chưng, tấm lòng của họ khiến tôi thấy ấm áp và cảm động lắm”.

Chị Tuyết cho rằng, nghề chị đang làm đầy cực nhọc, cũng không ít người coi thường nhưng chính vì thế, khi nhận được tình cảm, sự quý mến của mọi người xung quanh thì những điều đó trở nên đáng quý hơn bao giờ hết.

Từ câu chuyện của người lao công 24 năm gắn bó với nghề, cộng đồng nói chung cần có cái nhìn tôn trọng, trân trọng công việc của họ. Mỗi nghề nghiệp trong xã hội đều có ý nghĩa, vai trò riêng, chúng ta cần hiểu được giá trị ấy để biết nói lời cảm ơn với những người công nhân môi trường như chị Tuyết và nhiều người khác.

Cư dân mạng kêu gọi giúp đỡ cô gái Trung Quốc bị chết não, đang trong tình trạng nguy kịch(VietQ.vn) - Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện những chia sẻ của nhiều bạn trẻ Việt kêu gọi mọi người giúp đỡ cô gái Trung Quốc bị đuối nước, chết não đang nguy kịch để cô có thể về nước điều trị.

Lăng Thị (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang