“Tăm tặc” tấn công sỹ tử và phụ huynh

author 07:21 06/07/2013

(VietQ.vn) - Sau mỗi buổi thi Đại học, khi thí sinh từ các cổng trường đổ ra ào ạt thì cũng là lúc các “tăm tặc” (bán tăm nhân đạo “rởm”) bắt đầu hoạt động mạnh. Chúng dùng đủ mọi chiêu để chèo kèo, săn đón sỹ tử và phụ huynh mua tăm "nhân đạo".

Còn nhớ trong kỳ thi ĐH năm ngoái, khi PV Chất lượng Việt Nam đang tác nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội thì phát hiện có “tăm tặc” hoạt động. Theo quan sát của PV, hai cô gái làm nhiệm vụ bán tăm “nhân đạo” ở trường ĐH Bách Khoa này chỉ khoảng 18 – 22 tuổi. Họ không hề mặc áo đồng phục, trên tay cầm một bịch tăm tre, tờ thẻ tên xác nhận là nhân viên của Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật xã Vân Canh (huyện Hoài Đức- TP Hà Nội) và một danh sách có ghi tên những người đã mua tăm ủng hộ. Với những dụng cụ đơn giản ấy, hai cô gái này bắt đầu đi dạo một vòng quanh khu vực gần trường, chào mời các sỹ tử mua tăm “từ thiện”.

Với miệng lưỡi ngon ngọt, hai cô gái này đã khiến nhiều sỹ tử tin tưởng. Với lòng tốt, và sự ngỡ ngàng khi lần đầu tiên đặt chân lên thành phố, các sỹ tử nhẹ dạ, cả tin đã sẵn sàng bỏ ra từ 10.000đ đến 20.000đ để mua một gói tăm từ thiện. Thấy có hành vi lừa đảo, PV cố gắng tiến lại gần và định chụp ảnh thì bị cô gái này phát hiện. Họ không tiếp tục chào mời nữa mà vội vã gói ghém tất cả giấy tờ và rảo bước đi và quẳng lại phía sau một câu: “Chụp cái gì mà chụp!”

Một lúc sau, chúng tôi lại nhìn thấy hai cô gái này ở nhà ăn Bách Khoa đang tiếp tục màn trình diễn với các thí sinh khác, trong số đó không ít người mở ví cho tiền.

Sau khi trở về nhà, PV Chất lượng Việt Nam đã liên lạc với anh Nguyễn Nhân Dụy, Giám đốc của Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật xã Vân Canh lúc bấy giờ. Anh Dụy tỏ ra vô cùng bất ngờ trước và bức xúc trước thông tin này. Anh xác nhận rằng trung tâm không hề cử nhân viên nào đi bán tăm tre từ thiện, đây thực sự là hoạt động lừa đảo trắng trợn của một nhóm người mạo danh danh nghĩa của trung tâm để trục lợi.

Trong kỳ thi ĐH năm nay, khi tác nghiệp, PV Chất lượng Việt Nam cũng phát hiện ra rất nhiều “tăm tặc”. Thậm chí địa bàn hoạt động của chúng còn mở rộng hơn năm ngoái. Không chỉ đến ngày thi “tăm tặc” mới hoạt động mà trước kỳ thi một vài ngày, khi mà sỹ tử ùn ùn kéo về Văn Miếu Quốc Tử Giám để cầu may, cầu đỗ đạt thì xung quanh địa điểm này đã nhan nhản các “tăm tặc”. Với dụng cụ hành nghề đơn giản: bút, giấy, tăm, các “tăm tặc” trẻ tuổi tỏa ra phía trước cổng và các dãy gửi xe để chèo kéo sỹ tử và phụ huynh.

Những tăm tặc hoạt động ở Văn Miếu (ảnh chụp ngày 3/7)
Những tăm tặc hoạt động ở Văn Miếu (ảnh chụp ngày 3/7)

Còn vào các ngày thi, chúng không chỉ “vo ve” săn đón thí sinh ở những trường đón lượng thí sinh đổ về dự thi lớn mà ngay cả các địa điểm nhỏ được các trường mượn làm nơi thi hộ cũng xuất hiện các “tăm tặc” chuyên nghiệp này. Khi phát hiện có người định quay phim, chụp ảnh là các “tăm tặc” tìm mọi cách để che mặt hoặc từ từ “lủi” mất.

Có thể thấy, hoạt động bán tăm tre “từ thiện” dạng này diễn ra rất công khai tại hầu hết các điểm thi. Nhiều thí sinh, phụ huynh khi rút ví mua tăm ủng hộ người khuyết tật không hề biết rằng mình đang bị lừa đảo. Đối tượng chúng hướng tới thường là các thí sinh đi thi một mình hoặc các bậc phụ huynh có vẻ ngoài hiền lành. Đây là chiêu lừa không mới song vẫn có rất nhiều phụ huynh và thí sinh tốt bụng, cả tin bị mắc mưu. Các cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc để giải quyết tình trạng này, để những "tăm tặc" không còn "đất" hoạt động trong những đợt thi tiếp theo.

Lam Phong 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang