Tạm trú ở Việt Nam có được ly hôn với người nước ngoài?

author 06:45 26/02/2013

(VietQ.vn) - Khoản 2, Điều 104, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng

Hỏi: Tôi là công dân Việt Nam, đã kết hôn với chồng người Na Uy. Chồng tôi đang thường trú tại Na Uy, hai năm nay tôi lại sinh sống và làm việc tại Úc. Tôi cũng thường xuyên về Việt Nam và hiện chỉ đang đăng ký tạm trú mà không đăng ký thường trú tại Việt Nam. Giờ tôi muốn đơn phương nộp đơn xin ly hôn tại Việt Nam có được không? (Nguyễn Lan, Hà Nội) 

Trả lời: Khoản 2, Điều 104, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam.”
 
 
Đối chiếu với quy định trên, có thể có hai khả năng xảy ra trong tình huống bạn hỏi như sau: 
 
Một là, bạn và chồng bạn đang có nơi thường trú chung tại Na Uy, tức là dù bạn đang giành nhiều thời gian làm việc tại Úc nhưng vẫn đăng ký thường trú tại Na Uy, thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của Na Uy. Trường hợp này, bạn và người chồng của mình có thể đề nghị toà án có thẩm quyền tại Na Uy giải quyết ly hôn theo pháp luật Na Uy. Khi về Việt Nam sinh sống, bạn có thể làm đơn yêu cầu toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án ly hôn của tòa án Na Uy.
Hai là, nếu bạn đang thường trú tại Úc hoặc một nơi khác, không cùng chung nơi thường trú với chồng bạn thì thì việc giải quyết việc ly hôn thực hiện theo pháp luật Việt Nam. 
 
Theo quy định tại Điều 27; khoản 3, Điều 33; điểm c, khoản 1, Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 3, Điều 102, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và được hướng dẫn tại khoản 4, Mục I, Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì thẩm quyền giải quyết việc ly hôn trong trường hợp của bạn thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
 
Đồng thời, hiện tại chồng của bạn không thường trú tại ViệtNam nên theo điểm c, khoản 1, Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự thì bạn có thể yêu cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi mình cư trú, làm việc giải quyết.
 
Trong khi đó, Điều 1, Luật cư trú và khoản 1, khoản 2, Điều 4, Nghị định 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật cư trú thì nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
 
Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định vừa nêu, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.
 
Như vậy, theo các quy định chúng tôi nêu trên, bạn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú tại Việt Nam giải quyết ly hôn cho bạn. 

(Mọi thắc mắc, khiếu tố bạn đọc có thể liên hệ qua đường dây nóng: 0904.065.256 để được tư vấn, hỗ trợ và giải quyết)
 
 
Công ty Luật hợp danh FDVN Đà Nẵng; 
193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng; 
ĐT: 05113 890 568; Website: www.fdvn.vn.
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang