Tận diệt tài nguyên khác nào ăn cắp tài sản quốc gia, phải xử tử hình!

author 12:42 29/09/2014

(VietQ.vn) - "Tận diệt khai thác khoáng sản, lẽ nào người ăn gần hết tài sản quốc gia mà chỉ bị rút giấy phép là quá nhẹ, phải nâng mức cao nhất lên tử hình hoặc chung thân”

Sáng nay, 29/9, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang là người đầu tiên đăng đàn tại phiên chất vấn của UB Thường vụ Quốc hội.Như thường lệ, vấn đề xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản vẫn được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn tư lệnh ngành.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn (Ảnh Dân Trí)

Đại biểu Đỗ Văn Đương thẳng thắn đặt vấn đề “ Có hay không sự tiếp tay thông đồng giữa người có thẩm quyền cấp phép với những đối tượng khai thác?”.

Theo đại biểu, hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản là hủy hoại môi trường, chiếm đoạt tài sản của quốc gia vậy mà  chỉ bị xử phạt hành chính, cùng lắm là rút giấy phép.

"Mức xử lý quá nhẹ, ăn gần hết tài sản quốc gia mà chỉ bị thu hồi giấy phép.  Tôi đề nghị cần phải nâng mức xử lý hình sự không chỉ đối với hành vi vi phạm khai thác tài nguyên mà ngay cả tội cấp giấy phép khai thác trái phép cũng phải nâng khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Trước đề nghị trên, Bộ trưởng Bộ TN-MT thừa nhận mức xử lý hiện nay là quá nhẹ,c hưa đủ sức răn đe với hành vi vi phạm khai thác tài nguyên. “ Xử lý vi phạm phải theo quy định của pháp luật, về mức độ nặng hay nhẹ liên quan đến nhiều yếu tố. Tuy nhiên, chúng tôi đồng tình phải xử lý mạnh tay hơn nữa, thậm chí phải xử lý trách nhiệm hình sự”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

 

Đại biểu kiến nghị cần phải xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản 

Trước đó, các đại biểu cũng chất vấn về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất đai (sổ đỏ).

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nhận định: Hiện nay, việc cấp sổ đỏ cho hộ chung cư tại TP lớn như Hà Nội, TP HCM có nhiều biểu hiện tiêu cực cần sự vào cuộc của Thanh tra Bộ TN-MT để xử lý. Theo đó, vị đại biểu này đã nhận được rất nhiều đơn thư của những hộ dân tại các khu chung cư phản ánh về việc vô trách nhiệm của chủ đầu tư trong vấn đề cấp sổ đỏ.

“Chủ đầu tư không trực tiếp làm nhưng lại gạ nếu muốn làm sổ đỏ đóng phí bôi trơn 8 triệu/hộ, song chỉ nói bằng miệng và khi thu tiền lại không có biên lai thu phí. Những hộ  chấp nhận đóng phí bôi trơn thì được làm trước. Những hộ không đóng thì vẫn phải chờ…”, đại biểu Cương nêu phản ánh từ các hộ dân khu Mễ Trì Thượng của Hà Nội.

Từ  đây, đại biểu Cương đặt câu hỏi: “Theo Bộ trưởng, có hay không đường dây chạy sổ đỏ từ chủ đầu tư lên sở TN-MT?”

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, sau khi có Nghị quyết 30, Hà Nội đã hoàn thành cấp sổ đỏ hơn 80%. Tuy nhiên việc cấp sổ tắc, chậm trễ, kéo dài có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nhũng nhiễu. Với các đô thị như Hà Nội, TPHCM như các phương tiện thông tin đã nói, tại nhiều chung cư, việc cấp sổ đỏ có liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư. Sau khi nhà đã bàn giao thì việc làm sổ đỏ cho người mua nhà lại dậm chân vì chủ đầu tư nhận tiền xong là coi như phủi tay, hết trách nhiệm.

 Bộ trưởng TN-MT khẳng định, Bộ đã cử nhiều đoàn công tác xuống làm việc với Hà Nội, qua đó tình hình đã cải thiện hơn rất nhiều. Bộ cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn địa phương để tìm thêm giải pháp. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề trên còn liên quan đến thủ tục hành chính. " Tuy thủ tục quy định của Bộ đã được rút ngắn rất nhiều nhưng vấn đề là các địa phương, văn phòng đăng ký đất đai áp dụng thực hiện thế nào", Bộ trưởng Quang nói.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu bày tỏ bất cập trong quản lý sử đụng đất đại đặc biệt là đất lâm-nông trường hiện nay.

Cụ thể, theo Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Danh Út, vấn đề sử đụng dất đai của nông lâm trường còn nhiều tồn tại mà từ kỳ họp QH khóa trước tới nay, Bộ TN-MT vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Hiện đất lâm-nông trường chiếm tới ¼ lượng đất đai của cả nước nhưng tới nay mới chỉ hơn 52% diện tích đất lâm trường được cấp quyền sử dụng đất.

“Nguyên nhân vì sao tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cho đất lâm nông trường lại thấp như vậy? Liệu có phải do đất lâm trường hiện chỉ còn nằm trên sổ sách là chính còn thực tế thì đã bị chiếm lấn?”, đại biểu Danh Út thẳng thắn đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang,  Bộ cũng đa nhận được rất nhiều ý kiến việc sử dụng đất nông lâm trường không hiệu quả. “Đây là vấn đề quá trình lịch sử để lại, là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực đất đai, Bộ TN-MT có phần trách nhiệm khi chậm trễ trong việc kiểm tra, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận… chưa thực sự sâu sát để phối hợp chính quyền địa phương  giải quyết vấn đề một cách quyết liệt”, người đứng đầu Bộ TN-MT nhận định.

Về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ diện tích đất lâm trường được cấp giấy chứng nhận thấp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết có rất nhiều nguyên nhân trong đó phải kể tới 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất là do gianh giới giữa đất lâm nông trường với đất thuộc  tổ chức khác sử dụng hiện vẫn chưa rõ ràng.  Thứ hai là do kinh phí thực hiện đo vẽ, lập bản đồ địa chính cũng đang gặp  khó khăn. Hiện Bộ TN-MT đã xây dựng xong  thông tư hướng dẫn địa phương đo đạc diện tích đất còn lại của lâm-nông trường.

“ Đặt quyết tâm bằng mọi cách trong năm 2015 các địa phương phải triển khai xong việc đo đạc hồ sơ địa chính đất lâm nông trường. Dự trù kinh phí cho hoạt động trên khoảng 2000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang