Tận dụng chất xám, giảm phụ thuộc công nghệ nước ngoài

author 06:56 17/10/2012

(VietQ.vn) - Mỗi năm nước ta phải chi một khoản rất lớn để nhập khẩu công nghệ. Tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài được dự báo còn diễn ra trong một thời gian dài nữa. Vấn đề cấp bách hiện nay là tìm giải pháp hạn chế sự phụ thuộc này, đồng thời tận dụng được lượng chất xám được đánh giá là khá cao, đang chảy dần ra nhiều nước trên thế giới.

Theo thống kê của Bộ KH-CN, có tới 95% hợp đồng chuyển giao công nghệ ở nước ta được thực hiện ở các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp từ nước ngoài bằng hình thức công ty mẹ chuyển giao công ty con.

Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách KHCN cũng cho biết, nhiều sản phẩm trong nước đưa ra chào bán không được cập nhật với DN. Số liệu thống kê của Viện này cho thấy, khả năng đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của các cơ quan nghiên cứu trong nước chỉ ở mức 30 - 40%. Từ năm 2000, trung bình hàng năm nước ta nhập khẩu 2 - 3,5 tỷ USD thiết bị công nghệ (chiếm khoảng 30% tổng giá trị nhập khẩu), với gần 65% giá trị thiết bị có nguồn gốc từ các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc mà trong đó một phần không nhỏ thiết bị có thể chế tạo được trong nước. Tỷ lệ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 15 - 20%, từ đó có thể dự đoán, tỷ lệ trung bình của các địa phương khác còn thấp hơn.

Ths Đỗ Nam Trung - Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh cho rằng, dựa vào quy luật thị trường, khả năng tạo nguồn cung sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yêu cầu và phương thức đổi mới công nghệ của DN. Về phía người mua, nhu cầu hiện nay vẫn là từ phía các DN sản xuất do yêu cầu đổi mới sản phẩm và công nghệ ngày càng tăng. Kế đến là các đơn đặt hàng của địa phương và các tổ chức nghiên cứu theo các chương trình hỗ trợ DN và công nghiệp hóa.

Cần tận dụng chất xám của các nhà Khoa học trong nước
Cần tận dụng chất xám của các nhà Khoa học trong nước

Trong khi đó, khối DN vừa và nhỏ tuy rất đông đảo về số lượng và có nhu cầu đổi mới công nghệ và sản phẩm, nhưng lại bị hạn chế về quy mô, năng lực công nghệ và tài chính. Theo báo cáo điều tra của cơ quan quản lý Nhà nước về KHCN, mức tái đầu tư bình quân cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ của DN nước ta chỉ khoảng 0,3 - 0,5% doanh thu, so với mức 5% ở Ấn Độ hay 10% ở Hàn Quốc.

Gần đây, việc xuất hiện các Quỹ đầu tư KHCN, Quỹ đầu tư mạo hiểm và nguồn vốn cho thuê tài chính đã làm phong phú thêm bộ mặt thị trường công nghệ nước ta. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn về công nghệ vẫn bị đánh giá là chưa khởi sắc với năng lực thông tin còn yếu; thông tin công nghệ phần lớn qua các kỳ chợ công nghệ không thường xuyên và thông tin trên mạng đôi khi không đồng bộ với sản phẩm thực sự có mặt trên thị trường. Trên thực tế, nhiều DN lúng túng khi cần tìm mua công nghệ và phải mất nhiều thời gian mới tìm và mua được công nghệ thích hợp.

Đề cập đến các giải pháp phát triển KHCN trong nước, nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần tiến hành nghiên cứu phát triển khoa học, gắn liền với nhu cầu từ thực tiễn sản xuất và yếu tố kinh tế. Chiến lược “đi tắt đón đầu” về công nghệ sẽ khó đạt hiệu quả nếu thiếu khâu phát triển nguồn lực, nhằm đáp ứng và tận dụng tối đa hiệu năng do công nghệ mới đem lại.



Tăng cường xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, nâng cao vai trò của khối tư nhân, DN vừa và nhỏ; nhà đầu tư tài chính trong các hoạt động này theo hình thức hợp tác công - tư. Tăng cường thông tin và giao dịch thị trường công nghệ, triệt để thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo quyền lợi của các phía và kích thích năng lực sáng tạo của các nhà khoa học và tổ chức KHCN. Các trung tâm thông tin KHCN địa phương phải kết nối chia sẻ, cập nhật dữ liệu với các Trường, Viện, Trung tâm thông tin KHCN quốc gia và quốc tế.

Song song với công tác hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý công nghệ tại DN, vấn đề nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về KHCN cần được quan tâm nhiều hơn, nhằm phát huy tối đa vai trò điều tiết thị trường công nghệ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Tăng cường chức năng quản lý Nhà nước thông qua mạng lưới các Hiệp hội ngành nghề để trở thành chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và cạnh tranh.

Theo TS Nguyễn Hải An, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cần đào tạo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có ý tưởng, có kết quả nghiên cứu khoa học thành các chủ DN giỏi về công nghệ, quản lý và kinh doanh. Thương mại hóa các sản phẩm công nghệ mới và hỗ trợ để các sáng kiến kỹ thuật nhanh chóng được áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các DN có các sản phẩm công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh của họ trên thị trường. Tạo điều kiện tối đa có thể để các DN tham gia ươm tạo cho phát triển công nghệ. Đặc biệt, vấn đề bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ là một nội dung không thể thiếu trong mọi hoạt động của thị trường công nghệ.

Theo người đại biểu nhân dân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang