Tàn phá làn da vì bột trà xanh rởm

author 06:30 29/07/2014

Trà xanh đang được nhiều người sử dụng để chế biến thực phẩm và làm đẹp. Nhiều người tiêu dùng không biết rằng sức khỏe có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dùng bột trà xanh rởm.

Làm đẹp bằng bột trà xanh đang trở thành

Làm đẹp bằng bột trà xanh đang trở thành "mốt" của nhiều chị em phụ nữ (Ảnh minh họa)

Giá nào cũng có

Bột trà xanh xuất hiện trong hàng loạt các món ăn thông dụng: kem, bánh flan, trà sữa, chè khúc bạch, bánh cake, bông lan, pudding, bánh trung thu… Trà xanh còn được dùng để tạo mặt nạ làm đẹp kết hợp với sữa chua, mật ong. Sản phẩm này quảng bá tràn lan trên mạng.

Bột trà xanh là cách gọi của người Việt đối với loại trà matcha có nguồn gốc từ Nhật Bản. Để tạo ra matcha, người Nhật có cả một công nghệ trồng và chế biến riêng biệt, cầu kỳ và công phu. Do đó, giá của matcha rất đắt, 2-3 triệu đồng/kg.

Matcha xuất xứ từ Nhật mỗi gói có trọng lượng 20g, 40g, 100g với đầy đủ thông tin tiếng Nhật, có nhãn phụ tiếng Việt giá từ 248.000 - 315.000đ/100g.

Bột trà xanh được bán ở hầu khắp các chợ, cửa hàng. Song giá cả mỗi nơi mỗi khác, với những lời giới thiệu mơ hồ về nguồn gốc. Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một tiểu thương đưa ra hai loại bột trà xanh được đóng gói trong bao ni lông dạng xá, một bịch 50g, bịch khác thì 10g, không nhãn mác hay bất kỳ thông tin nào. “Nếu mua về nhà dùng thì lấy loại này, 105.000đ/100g, bảo đảm là hàng Nhật. Còn loại này thì 60.000đ/100g, mỗi lần dùng chỉ cần cho chút xíu là đủ, nhưng là của Trung Quốc, mấy quán bán chè khúc bạch, trà sữa thường mua để pha chế”, người bán nói.

Cũng tại chợ Bà Chiểu, một số người bán khác giới thiệu thêm loại bột trà xanh của Đài Loan, được chiết ra thành gói 50g từ túi 500g. Trong thông tin thành phần sản phẩm, ngoài bột matcha thiên nhiên còn có bột nghiền (không rõ bột gì) và thêm nhiều loại hương liệu. Với cách ghi như vậy, người dùng không thể nào biết được có bao nhiêu phần trăm là bột matcha. Loại matcha này ngoài mùi trà nồng còn có thêm mùi hương lài, được bán tại nhiều chợ: Bến Thành, Tân Định (Q.1, TP.HCM), chợ Xóm Chiếu (Q.4, TP.HCM)...

Tại các chợ này, còn có bột trà xanh loại đóng gói 10g, giá 20.000đ/gói, mùi rất hắc, màu xanh đậm, độ mịn kém, thậm chí còn bị vón cục. Tiểu thương chợ Bà Chiểu cho biết, loại này nhập từ Trung Quốc, trong khi tiểu thương chợ Tân Định lại bảo là hàng Việt (!?).

Xác nhận về nguồn gốc bột trà xanh VN, một đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Thái Nguyên khẳng định, đến thời điểm này chưa có đơn vị nào của Thái Nguyên sản xuất loại bột trà xanh như các nơi bán nói.

Bột trà xanh trên dưới 100.000đ/100g cũng được rao bán nhiều trên các trang mạng với lời quảng cáo “matcha Nhật Bản chính hiệu” hay “trà xanh thiên nhiên nguyên chất”.

Làm đẹp bằng bột trà xanh đang trở thành

Bột trà xanh được quảng cáo nhiều trên mạng với nhiều mức giá và công dụng khác nhau (Ảnh minh họa)

Nhiều tác hại đối với sức khỏe

Cô Đỗ Kim Trung, giáo viên nữ công cho biết, cô mua 100g bột trà xanh với giá 100.000đ để làm bánh, nhưng cả năm nay vẫn chưa hết. Lý do, mỗi lần làm chỉ cần khoảng 1/3 muỗng cà phê là đã lên đủ màu xanh và nồng mùi trà. Theo kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy làm bánh, cô khẳng định trong bột trà xanh có nhiều hương liệu và phẩm màu, vì nếu hoàn toàn nguyên chất thì trà xanh sẽ không thể tạo ra màu và mùi với chỉ một lượng nhỏ như vậy.

Không ít trường hợp để lại hậu quả rất nặng nề: dị ứng, nổi mụn, nám da khi dùng bột trà xanh làm đẹp. ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, bộ môn da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM khuyến cáo, không nên lạm dụng “tính thiên nhiên” trong trà xanh bởi trong đó ẩn chứa nhiều tác hại từ chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, trong bột trà xanh được quảng cáo là thiên nhiên còn chứa hàng loạt các hóa chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản. Những hóa chất này sẽ nhanh chóng tàn phá làn da.

TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết thêm: để kích thích tăng trưởng và tránh sâu bệnh cho cây trà, người ta sử dụng phân hóa học dưới dạng phun trực tiếp lên lá. Và để thành phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn, các nhà máy sản xuất trà phải sử dụng công nghệ xử lý dư lượng hóa chất. Đối với những nơi không áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế thì khi thu hoạch, dư lượng hóa chất trên lá trà vẫn rất cao. Lá trà sẽ rất dễ bị đổi màu, biến mùi khi chế biến. Do đó, hoặc nhà sản xuất phải sử dụng hương liệu, phẩm màu; hoặc để giữ màu trà xanh tươi, người ta sử dụng một số kim loại như đồng, chì trong quá trình chế biến.

Cả hai cách trên đều mang đến những nguy cơ nhất định cho sức khỏe. Đối với loại bột trà xanh không rõ nguồn gốc, không loại trừ khả năng đó là hóa chất công nghiệp. “Mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn. Nó tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp” - TS Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM cảnh báo.

Theo PNO


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang