Tân Tổng giám đốc Tập đoàn FLC: Sức mạnh thành công chính ở sự gắn kết

author 11:50 12/10/2015

(VietQ.vn) - Mới nhậm chức Tổng giám đốc Tập đoàn FLC chưa được nửa năm, bà Hương Trần Kiều Dung với cách thức quản trị linh hoạt, mềm dẻo đã từng áp dụng tại các công ty đa quốc gia, đã đưa FLC đang ngày càng đi đúng lộ trình.

Doanh nhân Hương Trần Kiều Dung là Tiến sĩ Luật quy hoạch xây dựng tại Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV (Pháp). Bà có tới hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập tại Việt Nam.

Trước khi về FLC, vị Tổng giám đốc này từng đại diện cho nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia tiến hành thủ tục triển khai các dự án đầu tư ở Việt Nam, cũng như đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các công ty và tập đoàn lớn trong và ngoài nước…

Cơ hội, quyết đoán và sức mạnh tập thể: Yếu tố thành công của một nữ doanh nhân

Tổng giám đốc Tập đoàn FLC - bà Hương Trần Kiều Dung

FLC là môi trường thử thách đầy hấp dẫn

Hương Trần Kiều Dung là một tiến sỹ luật học tốt nghiệp tại Pháp và đã từng làm việc tại các tổ chức quốc tế, thế nhưng bà lại chọn FLC – một doanh nghiệp nội, vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển đầy thử thách. Rất nhiều người cho rằng, bà đang dấn thân vào những nơi khó nhất, áp lực nhất nhưng bà luôn hài lòng với những gì mình chọn.

“FLC chọn tôi và tôi chọn FLC. FLC có những định hướng phát triển và văn hóa tương đồng với kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm quản trị của tôi”, bà Dung nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của vị tân Tổng giám đốc, có một điểm chung giữa bà và Tập đoàn FLC, đó là cùng được đào tạo chuyên sâu và hoạt động lâu năm trong lĩnh vực luật. FLC có xuất phát điểm là một hãng luật và là đơn vị tư vấn pháp lý hàng đầu về đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Môi trường pháp lý của Việt Nam, đồng thời, qua công việc tư vấn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nữ doanh nhân học được cách nhìn nhận và nắm bắt cơ hội.

Tuy nhiên, cơ hội cũng đi liền thách thức khi doanh nghiệp của bà đang ở giai đọan phát triển bùng nổ như hiện nay.

“Đúng là với quy mô và tốc độ phát triển như hiện nay của FLC, đòi hỏi với vị trí Tổng giám đốc điều hành là rất lớn. Song thực ra, tôi lại xem đấy là một thách thức đầy hấp dẫn”, bà Dung hào hứng.

Với bà, khát khao chinh phục đỉnh cao là văn hóa, và tốc độ hành động là kim chỉ nam. Điều này xuất phát từ nhận thức đã được thấm nhuần trong toàn bộ máy Tập đoàn rằng, cơ hội không chờ đợi ai, cũng như sẽ không đến lần thứ hai, và bạn không thể chinh phục đỉnh cao, vượt qua thách thức, nếu như không biết và không thể tận dụng cơ hội.

Cơ hội, quyết đoán và sức mạnh tập thể: Yếu tố thành công của một nữ doanh nhân

Một dự án của Tập đoàn FLC nơi nữ doanh nhân này cống hiến

Tầm nhìn, quyết đoán, sức mạnh tập thể

Khi được hỏi về tố chất quan trong của một người lãnh đạo doanh nghiệp, bà không ngại chia sẻ: Đó là tầm nhìn, sự quyết đoán và khả năng phát huy sức mạnh tập thể. Những tố chất này không thể tách rời.

Vận dụng vào FLC, bà Dung cho rằng, sự phát triển bứt phá của tập đoàn trong những năm gần đây sẽ không thể có, nếu Ban lãnh đạo thiếu đi một trong những tố chất kể trên.

Theo đó, một logic mà bà đưa ra đó là: “Bạn cần có tầm nhìn để nhận ra cơ hội. Khi cơ hội đến, bạn phải quyết đoán để không bỏ lỡ. Và cuối cùng, bạn không thể một mình làm được tất cả, nên phải cần đến một tập thể mạnh, mà bạn phải biết cách phát huy nó”.

Không chỉ chú trọng vào việc phát triển doanh nghiệp, theo nữ doanh nhân này, tạo lập niềm tin, chia sẻ trách nhiệm xã hội cũng là một trong những yếu tố thành công của một doanh nghiệp nói chung và người doanh nhân nói riêng.

Do đó, bà luôn ủng hộ việc Tập đoàn FLC thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Tại đây, Tập đoàn thường xuyên có những đóng góp tích cực và xây dựng các hoạt động mang tính nhân văn, các hoạt động từ thiện doanh nghiệp vì cộng đồng. Đó không chỉ là hành động vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội mà còn là cam kết của doanh nghiệp. Cam kết này đã được Ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn hưởng ứng, qua hàng loạt các hoạt động xã hội cụ thể và thiết thực như cứu trợ đồng bào lũ lụt, chung tay vì người nghèo, ủng hộ cảnh sát biển, tài trợ giải golf “Vì trẻ em Việt Nam”… Bên cạnh đó, thông qua việc tổ chức giải FLC Golf Challenge thường niên, FLC đã có nhiều năm quyên góp ủng hộ các mái ấm tình thương, góp phần xoa dịu nỗi đau, động viên các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Đặc biệt, một cộng đồng mà nữ doanh nhân cũng như Tập đoàn luôn quan tâm chăm sóc đó chính là các thành viên của “đại gia đình” FLC.

“Cá nhân tôi cũng như Ban lãnh đạo luôn mong muốn làm cho mỗi nhân sự trong Tập đoàn sẽ coi FLC là gia đình lớn của mình. Chính vì vậy, ngoài mức lương tương đương các doanh nghiệp FDI và các quyền lợi khác về bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, chúng tôi thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để gắn kết cán bộ nhân viên trong Tập đoàn như các chương trình gala, team bulding…”, chia sẻ bí quyết thành công, bà Dung nói.

Với bà, sức mạnh tập thể là cực kỳ quan trọng. Mỗi con người tâm huyết, tràn đầy tình yêu với nơi mình làm việc sẽ là một ngọn lửa thôi thúc những ngọn lửa khác bùng cháy. Tạo áp lực để nhân viên hoàn thiện mình nhưng cũng biết cách động viên, chia sẻ những khó khăn để họ biến nó thành ngọn lửa đam mê cống hiến hết mình.

Ngoài ra, là một doanh nghiệp đại chúng, Tổng giám đốc FLC ý thức rất rõ mối quan hệ mật thiết doanh nghiệp - cộng đồng. Vì vậy, bà luôn xác định minh bạch hóa thông tin để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cộng đồng khách hàng và nhà đầu tư của FLC, đồng thời luôn cầu thị sự góp ý, phản hồi từ cộng đồng nhằm hoàn thiện hơn, nỗ lực phát triển không ngừng để tiếp tục đóng góp cho lợi ích chung của toàn xã hội.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang