Tăng 32% tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 2

author 06:52 25/02/2020

(VietQ.vn) - Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 2 đạt 19,23 tỷ USD, tăng 32% (tương ứng tăng 4,66 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 1, do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nằm trọn trong nửa cuối tháng 1.

Tổng cục Hải quan cho hay, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 56,12 tỷ USD, tăng 3,3% (tương ứng tăng 1,77 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa nửa đầu tháng 2 thâm hụt 26 triệu USD, đưa mức thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/2 lên 412 triệu USD.

Trong 15 ngày đầu tháng 2, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có trị giá xuất nhập khẩu đạt 12,6 tỷ USD, tăng 35,1%, tương ứng tăng 3,28 tỷ USD so với nửa cuối tháng 1. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2 khối FDI có trị giá xuất nhập khẩu 35,04 tỷ USD, tăng 2,1%, tương ứng tăng 705 triệu USD so với cùng thời gian năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa của khối này đạt thặng dư 973 triệu USD trong nửa đầu tháng 2 và tính đến hết ngày 15/2 đạt hơn 2 tỷ USD.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 56,12 tỷ USD.

Về xuất khẩu, nửa đầu tháng 2, trị giá hàng hoá xuất khẩu của nước ta đạt 9,6 tỷ USD, tăng 30,4% (tương ứng tăng 2,24 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 1. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 27,86 tỷ USD, tăng 5,4% (tương ứng tăng 1,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

So với nửa cuối tháng 1, xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 2 biến động tăng ở một số mặt hàng: điện thoại các loại và linh kiện tăng 891 triệu USD, tương ứng tăng 67,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 221 triệu USD, tương ứng tăng 19,7%; giày dép các loại tăng 149 triệu USD, tương ứng tăng 29,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 148 triệu USD, tương ứng tăng 23,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 131 triệu USD, tương ứng tăng 56%; xơ, sợi dệt các loại tăng 80 triệu USD, tương ứng tăng 99%...

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong đợt này đạt 6,79 tỷ USD, tăng 40,8% (tương ứng tăng 1,97 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 1. Tính đến hết ngày 15/2 tổng trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 18,52 tỷ USD, tăng 2,8% tương ứng tăng 510 triệu USD so với cùng thời gian năm 2019 và chiếm 66,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian này đạt 9,63 tỷ USD, tăng 33,7% (tương ứng tăng 2,43 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 1/2020. Tính đến hết ngày 15/2, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 28,27 tỷ USD, tăng1,3% (tương ứng tăng 349 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2019.

So với nửa cuối tháng 1, biến động tăng ở một số nhóm hàng sau: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 348 triệu USD, tương ứng tăng 36,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 271 triệu USD, tương ứng tăng 13,3%; chất dẻo nguyên liệu tăng 227 triệu USD, tương ứng tăng 139%; vải các loại tăng 122 triệu USD, tương ứng tăng 42%; sản phẩm hóa chất tăng 92 triệu USD, tương ứng tăng 77%...

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong đợt này đạt 5,82 tỷ USD, tăng 29,1% (tương ứng tăng 1,31 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 1/2020. Tính đến hết ngày 15/2, tổng trị giá nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 16,52 tỷ USD, tăng 1,2%, tương ứng tăng 194 triệu USD, chiếm 58,4% tổng trị giá ngạch nhập khẩu của cả nước.

ISO 22059: Đảm bảo lợi ích người tiêu dùng trong giao dịch hàng hóa(VietQ.vn) - ISO 22059 giúp cả người mua và nhà cung cấp hiểu được vai trò của họ trong một giao dịch thành công. Nó nắm bắt các thực tiễn tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới, nhấn mạnh cả vai trò và trách nhiệm của người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang