Tăng cường đầu tư công nghệ giúp ngành dệt may nâng cao năng suất chất lượng

author 14:12 24/04/2021

(VietQ.vn) - Việc doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường, đồng thời giúp cải thiện năng suất chất lượng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo thông tin mới đây từ Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, thị trường dệt may thế giới đã dần sôi động trở lại và ngành dệt may Việt Nam cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc quý I ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.

Tăng cường đầu tư công nghệ giúp ngành dệt may nâng cao năng suất chất lượng. Ảnh minh họa. 

Về phía doanh nghiệp, đại diện Tổng Công ty Đức Giang - CTCP (Dugarco) cho biết, trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến khó lường, dịch bệnh Covid-19 chưa có hồi kết, Dugarco đã định hướng chiến lược hoạt động cho năm 2021 theo hướng tập trung nguồn lực cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), coi đây là xương sống cho xúc tiến thương mại và triển khai kế hoạch.

Năm 2021, Dugarco phấn đấu đạt mức doanh thu 2.308 tỷ đồng, xuất khẩu 72,2 triệu USD, lợi nhuận đạt 140% so với năm 2020. Doanh nghiệp cũng xác định giảm gia công; đưa tỉ trọng hàng nội địa lên 30% tổng doanh thu, chú trọng nâng cao chất lượng hàng nội địa ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn hàng xuất khẩu.

“Trong bối cảnh tổng cầu thế giới vẫn chưa quay lại mức trước đại dịch và dịch bệnh vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, hướng đi của Dugarco vẫn tập trung khai thác thị trường nội địa, thông qua nền tảng thương mại điện tử. Đây được kì vọng sẽ đem lại thành công mới cho doanh nghiệp trong thời gian tới”, lãnh đạo Dugarco cho hay.

Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, nhu cầu tiêu thụ đang bắt đầu phục hồi trở lại đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp dệt may thích ứng khá nhanh thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây.

“Việc doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường, đồng thời giúp cải thiện năng suất chất lượng”, ông Giang nhấn mạnh.

Mặc dù tình hình sản xuất, xuất khẩu dệt may trong những tháng đầu năm đã khởi sắc rõ rệt, song ông Vũ Đức Giang nhìn nhận, dệt may Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Vấn đề điển hình được ông Giang nhắc tới là câu chuyện chi phí logistics của Việt Nam đang rất cao, đặc biệt là chi phí thuê container rỗng.

Thời gian qua, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, giá thuê container hiện đã tăng gấp 5 lần so với năm ngoái. Đó là chưa kể, hàng loạt đơn hàng sản xuất ra gần đây vì thiếu container xuất khẩu, dẫn tới ách tắc lưu thông, chậm tiến độ giao hàng cho đối tác gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp ngành dệt may.

Áp dụng công cụ cải tiến năng suất trong bối cảnh Covid-19: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp(VietQ.vn) - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam phải đối mặt với “khó khăn kép” vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu. Chính vì thế, nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh, trong đó vấn đề triển khai áp dụng các công cụ năng suất chất lượng tiên tiến trong mỗi doanh nghiệp đang trở thành đề tài được quan tâm.

Mai Phương

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang