Tăng cường điều hành, bình ổn giá dịp tết Quý Tỵ

author 07:38 08/11/2012

(VietQ.vn) - Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu có 11 lần điều chỉnh với 6 lần tăng và 5 lần giảm. Tính chung qua 11 lần điều chỉnh, giá xăng RON 92 tăng 2.850 đồng/lít; dầu diezen 0,05S tăng thêm 1.900 đồng/lít; dầu hoả tăng thêm 1.700 đồng/lít; dầu madút tăng thêm 1.950 đồng/kg.

Về giá điện, từ 1/7/2012, giá điện bình quân được Bộ Công Thương chấp thuận tăng thêm 5% (từ 1.304 đồng/kwh lên 1.369 đồng/kwh). Việc điều chỉnh giá điện tăng 5%, doanh thu bán điện trong năm 2012 của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng.

Giữ bình ổn các mặt hàng thiết yếu dịp tết Quý Tỵ
Giữ bình ổn các mặt hàng thiết yếu dịp tết Quý Tỵ

Tương tự như hai mặt hàng trên, giá than bán cho điện được thực hiện theo từng bước có lộ trình với nguyên tắc kiềm chế, gắn với lộ trình điều chỉnh giá điện, tính đến điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm điều chỉnh và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội.

Thực tế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua là cần thiết để thực hiện giữ ổn định giá bán xăng dầu. Về cơ bản các doanh nghiệp đã chấp hành việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá theo quy định. Với giá điện, hạn chế tối đa tác động của tăng giá điện đến an sinh xã hội, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ riêng đối với các hộ sử dụng điện có thu nhập thấp và hộ nghèo. Đến nay, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ các hộ nghèo khoảng 930 tỷ đồng, năm 2012, thực tế đến hết quý II đã bổ sung cho các địa phương 498 tỷ đồng.

Từ thời điểm này đến sau dịp tết Quý Tỵ, thị trường hàng hóa dự báo có nhiều biến động tăng giá ở một số nhóm mặt hàng thiết yếu. Đây là xu hướng thường thấy của thị trường dịp tết Nguyên Đán hàng năm. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quản lý, điều hành, bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

Trong đó, thực hiện nghiêm việc kiểm soát đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá các mặt hàng thiết yếu; Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá như: giá dịch vụ khám chữa bệnh, học phí, giá nước sạch sinh hoạt… hạn chế tăng giá bất hợp lý mặt hàng thiết yếu.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang