Tăng cường kiểm tra mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu

author 06:28 04/08/2020

(VietQ.vn) - Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu, chỉ giải quyết thông quan lô hàng thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng quy định của pháp luật hải quan.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5513/VPCP-KGVX ngày 08/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc tổng kết Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc triển khai một số nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu, chỉ giải quyết thông quan lô hàng thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và các yêu cầu: (i) phải thuộc Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; (ii) không nằm trong Danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam; (iii) đối với những thuốc bảo vệ thực vật quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, chỉ được nhập khẩu khi có giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về công tác quản lý sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm tra giám sát đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất tại các công văn số 4307/TCHQ-GSQL ngày 28/6/2019 và công văn số 4747/TCHQ-GSQL ngày 16/7/2020 của Tổng cục Hải quan.

Ảnh minh họa 

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020”, các Đoàn liên ngành Trung ương và địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 126.105 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên phạm vi cả nước từ ngày 15/4/2020 đến ngày 15/5/2020. Số cơ sở bị phát hiện có vi phạm các quy định về ATTP là 16.955 cơ sở chiếm 13,44%, số cơ sở vi phạm đã bị xử lý là 1.876 (chiếm 11,06% số cơ sở vi phạm).

Các hành vi vi phạm chủ yếu bao gồm: Sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng; nhập lậu, kinh doanh, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, bị ôi thiu; sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc vượt quá hàm lượng cho phép; sử dụng các thiết bị cấm hoặc bơm nước nhằm tăng trọng lượng trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, bơm tạp chất vào thủy sản; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ môi trường, con người theo quy định...

Trước tình hình đó, tại công văn số 5513/VPCP-KGVX ngày 08/7/2020 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan tăng cường công tác quản lý nhà nước để khắc phục tình trạng: nhập thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục; tạm nhập nhưng không tái xuất sản phẩm động vật không bảo đảm an toàn.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang