Tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý chất lượng dược liệu

author 19:07 01/05/2019

(VietQ.vn) - Kinh doanh dược liệu ngày càng sôi động, cùng với đó là bất cập về chất lượng đòi hỏi phải siết chặt quản lý để tránh cho người tiêu dùng khỏi “tiền mất tật mang”.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 60 ngàn tấn dược liệu các loại vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước; còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Dược liệu cần được kiểm soát chặt nguồn gốc, chất lượng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Ông Chu Xuân Kiên- Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, tình hình kinh doanh dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền diễn ra phức tạp. Hiện, phần lớn lượng dược liệu trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường phi mậu dịch, nên gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng. Các hành vi vi phạm tinh vi, đa dạng; chủ yếu là không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng sơ chế...

Từ năm 2018 đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 35 vụ vi phạm về kinh doanh dược liệu; trong đó phạt hành chính 303,85 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 550,693 triệu đồng.

 
Quý I/2019, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 6 vụ vi phạm kinh doanh dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 

"Sở dĩ những vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng lớn là do việc kiểm tra dược liệu ở một số cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền thường chỉ bằng cảm quan, mới chỉ dừng ở xử lý hành chính, chưa truy tố trước pháp luật những vụ việc lớn có tính chất điển hình. Trong khi đó, quy trình về bảo quản dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu còn sơ sài; các văn bản pháp quy về quản lý chất lượng dược liệu chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế", ông Chu Xuân Kiên cho hay.

Để tăng cường quản lý chất lượng dược liệu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ông Chu Xuân Kiên cho biết, trong thời gian tới, Cục QLTT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra; xử lý điểm kinh doanh, tập kết, tàng trữ, vận chuyển dược liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc số lượng lớn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục công tác tuyên truyền đến các hộ kinh doanh dược liệu, ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc...

Tuy nhiên, để đấu tranh, xử lý có hiệu quả hoạt động kinh doanh dược liệu nhập lậu, cần có sự phối hợp giữa lực lượng chức năng các tỉnh có cửa khẩu biên giới và lân cận như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang… tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ dược liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc ngay từ đầu nguồn cung cấp, nhập khẩu.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot