Tăng cường ngăn chặn, phòng chống kinh doanh chó nhập lậu xuyên biên giới

author 07:19 16/02/2014

(VietQ.vn) - Cục Thú y Việt Nam vừa ban hành công văn chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, ngăn chặn buôn lậu chó tại các cửa khẩu khi quan ngại về nguy cơ gia tăng và bùng phát bệnh dại.

Công văn của Cục Thú y chính là biện pháp hiện thực hóa việc thực thi pháp luật, các kiến nghị và giải pháp được đưa ra sau cuộc tọa đàm thảo luận về vấn đề thịt chócũng như những nguy cơ tiềm tàng của bệnh dại xuất phát từ việc buôn lậu chó qua biên giới tại Hà Nội vào tháng 8 năm ngoái giữa đại diện chính phủ các nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, và Lào, các thành viên của Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á (ACPA).

Công văn nhấn mạnh vào việc "đặc biệt chú trọng kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển chó mèo qua biên giới; ngăn chặn, nghiêm cấm xử lý chó mèo nhập lậu." Trong chiến lược chấm dứt ngành kinh doanh ngầm bất hợp pháp này, song song với việc tăng cường công tác  kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống việc vận chuyển kinh doanh chó và thịt chó nhập lậu, Cục Thú y cũng đặt ra yêu cầu tuyên truyền phổ biến kiến thức về bệnh dại, tính phi pháp của các hoạt động vận chuyển chó mèo nhập lậu, cũng như các biện pháp phòng chống đến cộng đồng thông qua việc phối hợp với các cơ quan kiểm dịch, các chi cục Thú y các tỉnh, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tin tại chúng và các tổ chức đoàn thể.

Liên minh ACPA bao gồm bốn thành viên: Tổ chức Thay đổi vì Động vật (Change for Animals Foundation), Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (Humane Society International), Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia), và Tổ chức Soi Dog -Thái Lan (Soi Dog Foundation), phối hợp với cơ quan chức năng tại bốn quốc gia Đông Nam Á nhằm cải thiện việc thực thi pháp luật phòng chống bệnh dại và kiểm soát nạn buôn bán chó trái phép không được kiểm dịch qua các biên giới. Sau Tọa đàm diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8 năm ngoái, các cơ quan chức năng đã thống nhất về việc tạm dừng 5 năm các hoạt động thương mại liên quan đến chó giữa các quốc gia có chung biên giới  nhằm chấm dứt việc buôn bán vận chuyển chó.

Ông John Dalley, Phó Chủ tịch Tổ chức Soi Dog Thái Lan chia sẻ: "Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã dẫn đầu trong việc thực thi các giải pháp, và hy vọng các quốc gia trong khu vực sẽ cùng thực hiện các biện pháp cụ thể vì mục tiêu chung. Rất nhiều người phản đối vì cho rằng ngành thương mại này liên quan đến các yếu tố văn hóa, nhưng yếu tố văn hóa không giải quyết được bệnh dại, tiêu chảy, và rất nhiều các bệnh lây nhiễm khác."

Bà Kelly O’Meara, giám đốc phụ trách chương trình của tổ chức Nhân đạo quốc tế HSI cho biết: "Công văn mới này là một bước tiến quan trọng trong việc chấm dứt nạn buôn bán chó xuyên quốc gia phi pháp và tàn bạo. Liên minh ACPA dự kiến sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam đảm bảo tối đa hóa việc thực thi pháp luật, ngăn chặn việc hành hạ hàng ngàn cá thể chó, và bùng phát bệnh dại."

Vấn nạn vận chuyển, buôn bán chó lậu tại Việt Nam đã được quy định là bất hợp pháp từ năm 2009, tuy nhiên nguồn lực dành cho việc giải quyết vấn đề này chưa dồi dào, việc thực thi pháp luật nhiều khi không khả thi, chưa được áp dụng một cách đầy đủ, và cho tới nay vẫn nhận được quá ít sự quan tâm.

Các nước thành viên Hiệp hội các Nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã cam kết thực hiện các biện pháp xóa bỏ bệnh dại trước năm 2020, loại bệnh đã gây ra 29,000 ca tử vong tại Châu Á mỗi năm; và để thực hiện cam kết này chính quyền các địa phương rõ ràng phải có những nỗ lực cụ thể hơn nữa ngăn chặn nạn buôn lậu chó bất hợp pháp thông qua việc nghiêm minh thực thi pháp luật, và tuyên truyền phổ biến đến cộng đồng mạnh mẽ hơn.

Chỉ riêng tại Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 5 triệu cá thể chó bị giết phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt của con người. Ngành kinh doanh này chủ yếu dựa vào việc buôn lậu chó bất hợp pháp trong khi tất cả các nước trong vùng đã ra lệnh cấm vận chuyển chó chưa được tiêm chủng dại, chó không có chứng nhận sức khỏe, giấy phép nhập khẩu, và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.

Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á ở Việt Nam đưa ra ý kiến: “Việc buôn bán thịt chó từ lâu đã bị nhiều tổ chức và đông đảo cộng đồng lên án . Chó nuôi lẫn chó lạc bị bắt và nhồi nhét vào trong các lồng xếp chồng lên nhau trên các xe tải đường dài. Những chú chó bị lèn chặt vào nhau và không được kiểm soát dịch bệnh. Chỉ nói riêng về vấn đề y tế thôi, thì những cá thể chó này trở nên nguy hiểm đối với những người ăn thịt chúng và cả  những người có tiếp xúc trực tiếp với chúng. Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm tập trung của những cá thể chó bị buôn lậu từ các nước láng giềng. Nếu chính phủ thật sự nghiêm túc trong việc ngăn chặn bệnh dại, thì việc chấm dứt nạn buôn bán chó lậu cần được quan tâm, chú ý đầu tiên."

Bà Lola Webber, Giám đốc Chương trình của Tổ chức Thay đổi vì Động vật (Change for Animals Foundation) cho rằng: "Nghiêm cấm việc buôn bán chó là phương cách hữu hiệu không chỉ để ngăn chặn  những vụ vận chuyển chó số lượng lớn có nguy cơ (hoặc đã) lây nhiễm bệnh, mà còn là giải pháp hiệu quả chấm dứt nguy cơ chính dẫn đến lây nhiễm bệnh dại." 

Thùy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang