Tăng đầu tư để phát triển KH&CN địa phương

author 07:52 25/01/2014

Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) 2011-2020 đã đề ra cho các địa phương là khai thác lợi thế, đặc thù vùng và tăng cường mối liên kết giữa khoa học, giáo dục đào tạo, và sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mối liên kết 3 nhà một trong những giải pháp quan trọng là cần tăng đầu tư để phát triển KH&CN.

Đẩy mạnh ứng dụng các kết quả vào đời sống

Theo báo cáo của các địa phương, trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất đem lại nhiều kết quả đáng kích lệ, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tiêu biểu như nhiều dự án, mô hình ứng dụng KH&CN đã được triển khai.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh điển hình về hoàn thiện quy trình sản xuất giống Tu Hài, là nơi cung cấp giống cho cả nước hơn 200 triệu con giống/năm; nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến của công ty Yến sào Khánh Hòa, đến nay công ty đã phát triển thành công số đảo yến mới lên 29 đảo với 152 hang yến, ngoài ra còn phát triển đàn yến ra hơn 20 địa phương khác.

Hoạt động KH&CN địa phương trong những năm qua đạt được nhiều kết quả

Tại Thái Bình đã tiến hành khảo nghiệm 201 giống lúa mới, kết quả đã xác định được một số giống có triển vọng về năng suất, chất lượng như giống lúa: BG6, RVT11, HYT108, mô hình chăn nuôi an toàn theo quy trình thực hành sản xuất chăn nuôi tốt (VietGAHP); mô hình ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi lợn ngoại, quy mô công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ông Trần Chấn Diệp – Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi cho biết: trong những năm qua, hoạt động KH&CN tỉnh Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều đề tài dự án gắn kết với thực tiễn đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiêu biểu như dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác mía trên đất gò, đồi theo hướng cơ giới hóa” quy mô 600ha mía gốc; năng suất mía cây đạt 70 – 90 tấn/ha, cao hơn nhiều so với những năm trước đây đem lại thu nhập cao góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, các địa phương đã quan tâm hơn trong việc đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN trong hoạt động nghiên cứu triển khai theo tinh thần đổi mới hoạt động KH&CN, tuy nhiên tỷ lệ đặt hàng còn chưa cao . Số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng được tăng lên rõ rệt đạt khoảng 50-70% trên tổng số kết quả nghiên cứu ứng dụng theo lĩnh vực nghiên cứu.

Đặc biệt trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã sát cánh hơn cùng với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng trung tâm để hoạt động KH&CN tác động thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động: hỗ trợ đổi mới công nghệ, tăng cường xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, đẩy mạnh phong trào tăng năng suất, chất lượng, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tạo lập tam giác liên kết “doanh nghiệp - cơ quan quản lý nhà nước - đơn vị nghiên cứu”,  khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các đề tài, dự án KH&CN phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí, doanh nghiệp đầu tư 70% kinh phí. 

Sớm điều chỉnh cơ cấu đầu tư

Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho các địa phương vẫn đang còn nhiều tồn tại về cơ cấu. Theo ông Nguyễn Trọng Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp (Bộ KH&CN) cho biết: trong dự toán chi 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm dành cho KH&CN trong thời gian qua có xu hướng chi thường xuyên giảm mạnh; chi đầu tư phát triển giảm còn lại là chi dự phòng. Trong chi thường xuyên cho sự nghiệp khoa học, các Bộ ngành Trung ương chiếm hai phần ba, các địa phương chiếm một phần ba. Trong chi đầu tư phát triển, các Bộ ngành Trung ương và các địa phương mỗi bên chiếm một nửa.

Theo báo cáo tại Hội nghị Giám đốc các Sở KH&CN được tổ chức mới đây, năm 2013 hầu hết các địa phương đều ước sử dụng hết số kinh phí được UBND tỉnh/TP phê duyệt. Phần lớn kinh phí sự nghiệp khoa học được sử dụng đúng mục đích, dành cho hoạt động nghiên cứu triển khai, còn lại dành cho các hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN, cho hoạt động sự nghiệp KH&CN, cho hoạt động KH&CN cấp huyện và chi khác.

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư phát triển (ĐTPT) cho KH&CN năm 2013 được bố trí cho các dự án chuyển tiếp những năm trước và các dự án mở mới của năm 2013. Năm nay Sở KH&CN nhiều địa phương trong cả nước đã chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư phát triển. Trong đó một trong những nội dung quan trọng là xây dựng dự án nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN và trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở địa phương. Đồng thời, năng lực xây dựng các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển KH&CN của các địa phương đã được nâng lên rõ rệt...

Mặc dù các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN cho các tổ chức KH&CN, nhưng còn khá nhiều địa phương bố trí sử dụng vốn đầu tư phát triển cho các dự án không phải là các dự án đầu tư phát triển KH&CN (như chi cho việc mua sắm trang thiết bị y tế của bệnh viện, xử lý môi trường, xây dựng đường vào các khu công nghiệp...); số kinh phí của các dự án sai đối tượng này là 756,9 tỷ đồng (chiếm 33% tổng số vốn đầu tư phát triển các địa phương đã thực hiện).

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động khoa học các địa phương cần chủ động huy động các nguồn lực sẵn có, không chỉ trông chờ vào các nguồn kinh phí từ nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đặt ra đối với hoạt động KH&CN của các địa phương.

Theo CESTC

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang