Tăng không thỏa mãn, lương tối thiểu 2016 và 2017 sẽ phải tăng cao hơn

author 07:21 07/08/2014

(VietQ.vn) - Chỉ với 15,1%, phương án tăng lương tối thiểu (LTT) vùng 2015 được chốt bởi Hội đồng Tiền lương Quốc gia thấp hơn rất nhiều so với con số tăng 23% mà Tổng LĐLĐ VN đề xuất ban đầu.

Cụ thể, với phương án chốt, LTT vùng 2015 sẽ có mức cao nhất là 3,1 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 2,2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó theo đề xuất ban đầu, Tổng LĐLĐ VN kiến nghị mức cao nhất phải là 3,4 triệu đồng/tháng, mức thấp nhất là 2,3 triệu đồng/tháng  thì mới đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Tăng lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động

Nhận định về phương án tăng LTT, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH kiêm Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia bày tỏ: Trong những lần thảo luận, tiếng nói của 2 bên đại diện người lao động và DN vẫn còn khoảng cách, một bên nôn nóng muốn đi nhanh để đạt lộ trình, một bên lại đưa ra căn cứ vào tình hình thực tiễn khi các chi phí yếu tố đầu vào cùng tăng.

“Đúng là mức tăng lần này không được như mong muốn nhưng khi điều chỉnh phải xem sức khỏe của DN nhất là DN vừa và nhỏ khi khả năng kinh doanh sản xuất của họ hiện đang rất yếu. Nếu chúng ta đẩy đột ngột LTT lên mức cao chắc chắn sẽ gây khó cho DN đẩy họ tới tình trạng hoặc phải vi phạm pháp luật hoặc giảm việc làm. Đó chính là yếu tố phải tính toán”.

Cũng theo ông Huân, với mức tăng như trên, để đạt được đúng lộ trình, trong 2 năm tiếp theo 2016-2017 mức tăng LTT chắc chắn phải cao hơn. Tuy nhiên, vị Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng không loại trừ khả năng mốc 2017 sẽ phải lùi thêm.

“ Nếu từ nay tới 2017, điều kiện kinh tế thuận lợi thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu. Điều này cũng có nghĩa năm 2016-2017 phải tăng LTT ở mức độ cao hơn còn nếu tiếp tục khó khăn thì cần có điều chỉnh tiếp. Mới đây, theo điều hành Thủ tướng Chính phủ cho biết mục tiêu đặt ra tới mốc 2017 những nếu khó có thể lùi lại tới 2018.”, ông Huân nói.

Được biết, năng suất lao động là một trong những yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất tại những phiên thảo luận của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Theo đó, đại diện phía DN một mực khăng khăng không chấp nhận mức đề nghị tăng LTT cao của Tổng LDDLDDVN cũng bởi lý do năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.

Về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân phân tích: “Nguyên lý chung là tiền lương phải gắn chặt với năng suất, tốc độ tăng lương phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất, cũng có nghĩa chúng ta phải tạo ra năng suất cao để có điều kiện tăng lương.  Đối với phạm vi DN, năng suất thể hiện năng lực cạnh tranh, còn trong  phạm vi quốc gia đây là yếu tố thể hiện sức cạnh tranh của nền kinh tế của nước đó trong khu vực!”

Tuy nhiên, theo ông Mai Đức Chính, Phó Tổng LĐLĐVN, nói năng suất thấp để không tăng LTT cho người lao động chỉ là cái cớ của DN.

Thực tế, theo các cuộc khảo sát mới đây về thu nhập của người lao động do Tổng LĐLĐ tổ chức, DN đang lách luật bằng cách trả lương thực tế luôn cao hơn mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, mức lương thực tế tại khu vực I (khu vực đô thị) của người lao động luôn cao hơn LTT vùng. “LTT chỉ là cơ sở để DN đóng bảo hiểm xã hội”, ông Chính cho biết.

“ Chúng ta cứ nói phải tăng năng suất lao động nhưng ai làm? Người công nhân muốn có tay nghề thì ông chủ phải đào tạo họ. Mặt khác, nhà nước phải khuyến khích tạo điều kiện DN thay đổi đầu tư máy móc công nghệ hiện đại. Cứ như hiện nay, chúng ta hầu hết làm gia công thì làm sao có thể tăng năng suất?  Người lao động đến với DN chỉ bằng 2 bàn tay, còn cái đầu không được học, không được tiếp xúc với công nghệ hiện đại thì đừng đổ cho họ làm việc năng suất thấp”, ông Mai Đức Chính nói.



Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang