Tăng lương 2014: Nguồn trả lương gặp "trục trặc" ?

author 18:39 22/06/2014

(VietQ.vn) - Thông tin mới nhất về tăng lương công chức, viên chức 2014.

Lo ngại quỹ lương

Tại phiên họp toàn thể lần thứ bảy, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp Quốc hội tới đây.

Mặc dù thống nhất với nhiều nội dung sửa đổi được Ban soạn thảo đưa ra, song thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vẫn còn không ít băn khoăn đối với các quy định ủy quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng... Nhiều ý kiến đồng tình với việc giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội.

Tăng lương 2014 khó thực hiện

Tăng lương 2014 khó thực hiện

Với lập luận lực lượng thanh tra lao động hiện rất mỏng, các ý kiến cho rằng nếu thực hiện cả nhiệm vụ thanh tra lao động sẽ khó có thể cáng đáng được và như vậy tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ ngày càng nghiêm trọng, việc mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội tiếp tục diễn ra, thiệt thòi cho quỹ và cho người lao động. Nếu không trái luật, có thể ủy quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội thanh tra, đưa ra tòa, xử phạt các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội – Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu đề xuất.

Song, theo quan điểm của Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, quy định này không phù hợp với quy định tại Điều 29 Luật thanh tra vì tổ chức bảo hiểm xã hội là đơn vị sự nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có chức năng thanh tra. Để khắc phục, những hạn chế, bất cập trong việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm xã hội cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. 

 
Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, không thể coi tổ chức bảo hiểm xã hội là đơn vị sự nghiệp, bởi bảo hiểm xã hội thu chi số tiền lớn, đối tượng phục vụ rộng, thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao, không phải là thu để phục vụ hoạt động chuyên môn. Nếu xác định mô hình tổ chức bảo hiểm xã hội là đơn vị sự nghiệp, việc ủy quyền thanh tra là không phù hợp.

Ngược lại, cũng có ý kiến khẳng định tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước khi quy định Bảo hiểm xã hội là cơ quan trực thuộc Chính phủ theo Nghị định 05/2014/NĐ-CP, nhưng thực tế nó lại là đơn vị sự nghiệp, do đó cần làm rõ việc hưởng lương sự nghiệp có liên quan gì đến cơ quan trực thuộc Chính phủ, nếu chuyển đổi mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ sẽ phải như thế nào, thuộc ai?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị với quy định ủy quyền thanh tra bảo hiểm xã hội, Ban soạn thảo cần nêu rõ ủy quyền cách nào để quản lý nguồn thu đầu vào tốt hơn, hạn chế tối đa thất thoát, ủy quyền qua một đơn vị khác hay vẫn giữ như hiện nay?

Những quy định liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu cũng đã gây nhiều băn khoăn cho các thành viên Ủy ban. Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu của người lao động theo hướng từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, từng bước thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng, đảm bảo bình đẳng giữa các đối tượng tham gia thuộc các thành phần kinh tế, góp phần đảm bảo cân đối quỹ trong dài hạn và giảm dần sự chênh lệch về giới trong tuổi nghỉ hưu. Theo phương án này, phải đến năm 2031 tức là sau 15 năm, tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi; đến năm 2022, sau 6 năm, tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi. 

 
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động Việt Nam, nhất là lao động trực tiếp sản xuất, lao động làm trong các khu vực da giày, dệt may, cao su, họ không thể đủ sức làm việc đến độ tuổi này và quy định cứng cho toàn bộ đối tượng người lao động đều phải kéo dài tuổi hưu sẽ là mâu thuẫn với Bộ Luật Lao động.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu cho rằng đã đến lúc bắt buộc phải tính toán cho quỹ bảo hiểm xã hội có kết dư. Tuy nhiên, việc sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu và tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì người lao động muốn được hưởng 75% lương phải mất 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong khi hiện nay chỉ là 25 năm. Với đối tượng là công chức, có thể kéo dài độ tuổi nghỉ hưu lên 60 – 62 tuổi. Với các nhóm đối tượng khác, đại biểu không khỏi băn khoăn bởi không phải đối tượng nào cũng được hưởng chế độ độc hại, phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên, họ không thể làm việc được đến 60 - 62 tuổi, trong khi không đạt được độ tuổi này, họ bị tụt tới 2% mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, trước những quan ngại về tình trạng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội vào năm 2030, Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã khuyến cáo Việt Nam hai vấn đề: nâng thêm tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội phải dựa trên lương thực hưởng chứ không phải trên lương tối thiểu. Ông Đặng Ngọc Tùng đặt câu hỏi tại sao ban soạn thảo chỉ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu mà không nghĩ đến việc rất quan trọng để tăng tiền quỹ bảo hiểm xã hội là đóng trên lương?

Các ý kiến đề nghị có nhiều cách bảo toàn quỹ bảo hiểm xã hội, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng như giảm tuổi nghỉ hưu với một số đối tượng. Có ý kiến đề nghị bổ sung quyền được khởi kiện và quyền được yêu cầu tổ chức công đoàn khởi kiện của người lao động để bảo đảm quyền lợi cho họ vì nhiều nơi có tổ chức công đoàn nhưng hoạt động hình thức, không hiệu quả, không bảo vệ quyền lợi của người lao động, người lao động ở khu vực phi chính thức không có tổ chức công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Quân nhân bị ảnh hưởng ?

Thiếu tướng Nguyễn Quang Cường, Phó tư lệnh Quân khu 3, đại biểu Quốc hội đoàn Hải Phòng cho rằng, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, quy định chế độ hưu trí bổ sung, thay đổi cách tính lương hưu hằng tháng. Tuy nhiên, trong dự thảo luật vẫn để chung người lao động trong khu vực Nhà nước, lực lượng vũ trang với nhóm đối tượng khác, cách tính lương hưu bình quân cả quá trình tham gia bảo hiểm xã hội là chưa phù hợp. Với quy định cách tính lương hưu như vậy sẽ làm giảm tiền lương hưu, ảnh hưởng tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu. 

Vì vậy, để tránh sự so sánh về chế độ ưu đãi, quyền lợi được hưởng giữa nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang với các nhóm đối tượng người lao động khác, tôi đề nghị đưa nội dung các chế độ bảo hiểm xã hội đối với bộ máy công quyền vào các Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Nghĩa vụ quân sự. Nếu thực hiện theo phương án này thì trong điều khoản thi hành của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) phải có quy định về chế độ hưu trí của bộ máy công quyền, trước mắt tạm thời giữ nguyên như Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng nội dung về chế độ bảo hiểm xã hội trong luật sửa đổi các luật này và trình Quốc hội. Hoặc phương án dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tách đối tượng cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thành một chương riêng và giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Về tuổi nghỉ hưu, Điều 53 dự thảo luật tôi thấy cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật Lao động, trong khi Bộ luật Lao động vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013 quy định rất rõ về tuổi nghỉ hưu tại Điều 187 nhưng Ban soạn thảo lại đưa quy định về tuổi nghỉ hưu vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Rõ ràng ta thấy cùng một lúc luật sau đè lên luật trước, "luật con" không phù hợp với "luật mẹ". Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Khoản 2, Khoản 3, Điều 187 Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu, thay vì quy định như trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này.

Từ khi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có hiệu lực thi hành từ tháng 1 năm 2007 đến nay mặc dù thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có rất nhiều cố gắng nhưng do lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, phạm vi rộng, nên tình trạng vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội như nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ngày một gia tăng.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội hơn 11.000 tỷ đồng nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, an toàn quỹ bảo hiểm xã hội và chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đang được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, nhằm ngăn ngừa tình trạng này.

Tôi cho rằng, tiền bảo hiểm xã hội là một phần tiền lương mà người lao động trích ra hằng tháng để khi đủ tuổi hưu thì sẽ được hưởng lương hưu. Chính vì vậy, không nên lấy 3% tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để chi cho bộ máy quản lý mà phải lấy từ ngân sách Nhà nước để bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định hệ số tiền lương của cán bộ, công chức ngành bảo hiểm xã hội cũng phải phù hợp với các ngạch khác trong hệ thống tổ chức, phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, viên chức hiện hành.

Minh Quân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang