Tăng lương cho nghệ sĩ

author 06:11 09/06/2013

Thời gian tới Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ khẩn trương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về chính sách đãi ngộ để đội ngũ văn nghệ sỹ có thể yên tâm gắn bó và tiếp tục đóng góp vào nền văn hóa nước nhà.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh yêu cầu này tại buổi làm việc chiều 7/6 với Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, ngành, Hội đồng Phê bình lý luận văn học, nghệ thuật Trung ương để nghe báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, ngành, Hội đồng Phê bình lý luận văn học, nghệ thuật Trung ương để nghe báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, chiều 7/6,. Ảnh: VGP/Từ Lương

Sau 5 năm ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW, công tác thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ở một số lĩnh vực còn chậm, nhiều chính sách đã ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống; các chính sách về lương, phụ cấp đối với nghệ sỹ nhìn chung còn thấp, chế độ đãi ngộ, đầu tư còn hạn chế, thiếu sự động viên khuyến khích; mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế; chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị của Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài; công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sỹ chưa đạt hiệu quả cao; một số ngành đào tạo nghệ thuật gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh do thiếu đầu vào.

Một trong những vấn đề được đại diện các đơn vị quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đưa ra tại cuộc họp là chính sách tiền lương cho văn nghệ sỹ có nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều nghệ sỹ được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú hiện đang hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật đã vượt khung lương diễn viên hạng 3 từ 15-19 năm vẫn không có cơ hội được xét hoặc thi nâng ngạch bậc 2. Mặt khác với chế độ bồi dưỡng luyện tập từ 10.000-20.000 đồng/buổi và biểu diễn từ 20.000-50.000 đồng/buổi khiến cho nghệ sĩ không thể yên tâm cống hiến.

Từ thực tế đó, Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng chính sách đối với văn nghệ sỹ theo cơ chế đặc thù, ví dụ: Nghiên cứu nâng lương cho diễn viên chuyên nghiệp theo kết quả cống hiến như các tiêu chuẩn nâng lương đối với những diễn viên đoạt giải trong nước, giải quốc tế, diễn viên đi phục vụ vùng sâu vùng xa...

Ảnh: VGP/Từ Lương

 Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần tập trung rà soát và nghiên cứu nâng mức hỗ trợ, lương đối với văn nghệ sỹ, để cuối năm 2013 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ VHTTDL chủ trì xây dựng ban hành các quy chế hướng dẫn đặt hàng và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ giai đoạn 1930-1975 nhằm kịp thời khuyến khích, huy động có hiệu quả trí tuệ tâm huyết của văn nghệ sỹ sáng tạo các tác phẩm. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu thành lập cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm để theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng các nhánh đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, quản lý chung hoạt động văn học nghệ thuật đảm bảo tiến độ và sớm áp dụng vào thực tiễn.

Trong buổi làm việc, Phó Thủ tường Nguyễn Thiện Nhân cũng cho ý kiến chỉ đạo một số vấn đề cụ thể về việc công nhận Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân ưu tú; Thông tư liên tịch về xây dựng, duy tu chùa, đền để thống nhất quản lý chung; tháo gỡ tình trạng thiếu đầu vào của nhân lực làm nghệ thuật…

Theo Chinhphu.vn

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang