Tăng lương công chức 2015: Việc cần phải làm

author 21:18 01/11/2014

Trước đây, Chính phủ dự tính năm 2015 sẽ không tăng lương cho công chức do ngân sách đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tại hội trường về kế hoạch thu chi ngân sách 2014 – 2015 vào chiều ngày 31/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất nên tăng lương và kèm theo đó là hiến kế để tăng thu ngân sách nhà nước, để có tiền thực hiện việc tăng lương.

Cần xem lại chủ trương không tăng lương công chức

Ông Đặng Ngọc Tùng, đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng, năm 2015 bằng mọi cách phải tăng lương cho người lao động theo lộ trình đã đặt ra, luật đã thông qua, đã khẳng định 2015 lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu.

Người lao động hưởng lương thấp mà không được tăng lương thì không đủ sống nên sẽ gây khó khăn trong công việc để được nhận phong bì. Do đó ông Tùng đề xuất năm 2015, Chính phủ cần chỉ đạo tiết kiệm, giảm các khoản chi không cần thiết để tăng lương cho cán bộ theo lộ trình.

Đồng tình với quan điểm trên, phát biểu tại thảo luận vào chiều 31-10, ông Đỗ Văn Đương đại biểu TPHCM cho rằng cần phải tăng lương để kích thích tinh thần làm việc của người lao động.

Còn ông Trần Du Lịch, đại biểu TP.HCM đề nghị cần phải cải cách tiền lương triệt để cùng với cải cách hành chính. Tiền lương là giá trị sức lao động.

Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng do ngân sách khó khăn thì không nên tăng lương như thông thường, người khó khăn được ít còn người không khó khăn được nhiều. Do vậy, trước mắt ông Lịch đề nghị do ngân sách khó khăn thì nên trợ cấp cho người lao động đều nhau một khoản tiền nào đó chứ không nên tăng lương tối thiểu.

 

Chính phủ dự định sẽ xem lại chủ trương tăng lương công chức năm 2015.

 

Chính phủ dự định sẽ xem lại chủ trương tăng lương công chức năm 2015. Ảnh minh họa

Không chỉ Chính phủ đưa ra lý do để trì hoãn việc tăng lương mà báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng chưa thể tăng lương do bộ máy còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp... gây áp lực lên ngân sách.

Không đồng tình với việc không tăng lương năm tới, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đại biểu TPHCM cho rằng, năng suất lao động thấp không phải do lỗi của người lao động mà do trách nhiệm của người sử dụng lao động, của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; do phân công, phân cấp nhiệm vụ chưa hợp lý; tuyển dụng chưa công bằng, công khai; cách đánh giá cán bộ còn cào bằng, người giỏi cũng được đãi ngộ như người dở... Cần cân đối khó khăn là thực tế của ngân sách. Song nguyên nhân khó khăn của ngân sách là do điều hành cả thu lẫn chi chưa nghiêm, chưa tốt.

“Vì vậy tăng lương là việc phải làm. Nếu không sẽ gây tâm lý nặng nề cho cán bộ, đó là chưa coi trọng nguồn nhân lực vì khi ngân sách thiếu thì các khoản khác vẫn được chi đủ mà chỉ cắt lương", bà Tâm nói.

Ông Lê Nam, đại biểu Thanh Hóa và ông Trần Đình Long, đại biểu Đăk Nông cũng đồng tình với các đại biểu TPHCM và cho rằng cần xem lại chủ trương không tăng lương. Vì nếu nói chưa tăng lương do bộ máy cồng kềnh là chưa đủ sức thuyết phục vì đó là lỗi của Quốc hội, Chính phủ, không phải là lỗi của người hưởng lương. Hiện một bộ phận cán bộ, công chức gặp khó khăn do lương thấp mà không nâng lương theo lộ trình sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Do đó cần cắt chi những thứ khác để có nguồn tăng lương.

“Đề nghị Chính phủ giải trình rõ khoản không tăng lương 40.000 tỉ đồng được sử dụng vào mục đích nào quan trọng hơn tăng lương?,” ông Nam nói.

Hiến kế tăng thu ngân sách nhằm cải thiện lương công chức

“Để tăng nguồn thu cho ngân sách, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương quyết liệt trong chống thất thu thuế... “, ông Đương nói.

Còn ông Đinh Trịnh Hải, đại biểu Ninh Bình cũng cho rằng, hiện nay, tình trạng buôn lậu, trốn thuế diễn ra phổ biến, ngày càng tinh vi. Việc giãn, giảm thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này đã tạo ra một bộ phận doanh nghiệp cố tình dây dưa. Chỉ trong 8 tháng, số nợ đọng thuế chiếm đến 10% tổng thu ngân sách, trong khi yêu cầu của quản lý thuế là 3-5%. Do vậy, để tăng nguồn thu thì cần phải tăng cường kiểm tra, xứ lý nghiêm hành vi buôn lậu, nợ đọng thuế.

Cũng đưa ra ý kiến thảo luận tại hội trường Quốc hội vào chiều 31-10, đại biểu Trần Hoàng Ngân của TPHCM thì cho rằng, chi từ ngân sách hiện khó giảm. Do vậy, để có nguồn cho chi thì cần phải tập trung thu đúng, thu đủ. Cơ cấu thu ngân sách có từ các nguồn thu nội địa, xuất nhập khẩu, dầu thô. Trong khi thu xuất nhập khẩu tăng khó do lộ trình hội nhập phải giảm thuế; còn nguồn thu từ dầu thô đã đến ngưỡng thì chỉ có tìm cách tăng nguồn thu nội địa.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất nên tăng lương và hiến kế để tăng thu ngân sách nhà nước, để có tiền thực hiện việc tăng lương.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất nên tăng lương và hiến kế để tăng thu ngân sách nhà nước, để có tiền thực hiện việc tăng lương. Ảnh minh họa

Mà để tăng thu nội địa, theo ông Ngân thì cần đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó cần tập trung vào tăng thu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì còn dư địa và cần phải thể chế hóa quy định để chống thất thoát từ khu vực này.

Ông Ngân nói: “Trong một gia đình 90 triệu dân, 63 tỉnh thành, địa phương nào cuối năm cũng báo cáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tăng trưởng kinh tế cao và liên hoan tổng kết. Nhưng khi yêu cầu đóng góp vào ngân sách thì đều kêu khó khăn, hạn hẹp và muốn được hỗ trợ, ưu đãi. Chính vì vậy, đã đến lúc phải thể chế hóa việc thu - chi ngân sách để giữ vững kỷ cương tài chính.”

Để có tiền tăng lương, theo đại biểu Đương, cần cắt giảm 10% chi khu vực hành chính; quyết liệt trong việc chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, giảm chi phí đi hội thảo hội nghị, nước ngoài... “Khi làm tốt các việc này, quá đủ tiền cho việc tăng lương,” ông Đương nói.

Còn bà Bùi Thị An, đại biểu Hà Nội cho rằng, đầu tư cho nông nghiệp còn ít và chưa xứng với tiềm năng. Trong khi đó nông nghiệp là bệ đỡ cho Việt Nam trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, giải quyết bài toán an ninh lương thực. Do đó bà đề nghị thời gian tới Chính phủ cần đầu tư mạnh cho nông nghiệp để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Theo Kinh tế Sài Gòn Online


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang