Tăng năng suất bằng mô hình trồng lạc xen canh

author 20:01 21/04/2015

(VietQ.vn) - Mặc dù thời tiết diễn biến rất phức tạp nhưng các ruộng sản xuất xen canh ngô và lạc vẫn phát triển tốt, ít bị các loại sâu bệnh nguy hiểm, năng suất cao gấp 3,2 lần, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trồng ngô xen canh lạc

Theo thông tin từ huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng ngô và ngô xen canh lạc tại thôn Bình Hòa, xã Bình Giang. Vụ Đông xuân 2014 - 2015, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với xã Bình Giang tổ chức sản xuất trình diễn mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng ngô và ngô xen canh lạc trên diện tích 2 ha tại thôn Bình Hòa, với 32 hộ tham gia.

Qua theo dõi các yếu tố cấu thành năng suất cho thấy, giống ngô PAC-339 có thời gian sinh trưởng ngắn (97 ngày), năng suất 42 tạ/ha trồng xen canh với lạc, còn trồng độc canh đạt 76 tạ/ha. So với trồng lúa, thì trồng ngô xen lạc cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế cao gấp 3,2 lần.

Mô hình trồng ngô xen canh lạc đem lại năng suất cao từ cả 2 giống

Mô hình trồng ngô xen canh lạc đem lại năng suất cao từ cả 2 giống. Ảnh minh họa

Tại Hội thảo, nhiều nông dân tham gia mô hình cho biết, mặc dù từ đầu vụ đến nay thời tiết diễn biến rất phức tạp nhưng các chân ruộng sản xuất trình diễn xen canh giống ngô PAC-339 và lạc vẫn phát triển tốt, ít bị các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại như sâu đục thân, sâu đục quả, bệnh khô vằn, bạch tạng…Bà con nông dân khẳng định: mô hình trồng ngô xen lạc trên đất lúa kém hiệu quả cho hiệu quả kinh tế cũng như năng suất vượt trội, bà con sẽ nhân rộng mô hình này trong các vụ tiếp theo.

Trồng lạc xen canh sắn

Được sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ Môi trường toàn cầu, vụ đông xuân 2014-2015, Hội Làm vườn tỉnh Bình Định xây dựng mô hình trồng lạc xen canh sắn trên chân đất cát, đất xám bạc màu tại xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) và xã Bình Tân (huyện Tây Sơn). Mô hình trồng giống lạc sẻ Tây Nguyên xen với giống sắn KM94 đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại nhờ tận dụng được độ ẩm, chất dinh dưỡng và được chăm sóc tốt.

Xen canh sắn và lạc vừa tăng năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn bảo về tài nguyên đất

Xen canh sắn và lạc vừa tăng năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn bảo về tài nguyên đất. Ảnh minh họa

Tại xã Cát Hiệp, năng suất lạc đạt xấp xỉ 40 tạ/ha, với giá hiện nay 22.000 đ/kg, doanh thu đạt trên 84 triệu đ/ha, sau khi trừ chi phí, còn lãi trên 52 triệu đ/ha, cao hơn 8,3 triệu đ/ha so với đối chứng. Tại xã Bình Tân, năng suất lạc đạt 34,2 tạ/ha, doanh thu 75,2 triệu đ/ha, lợi nhuận 37,36 triệu đ/ha, cao hơn 9,4 triệu đ/ha so với ruộng ngoài mô hình. Sau khi thu hoạch xong lạc, nông dân tiếp tục chăm sóc cây sắn để thu hoạch vào cuối năm, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin. 

Ông Phạm Văn Chút ở thôn Tùng Lộc, xã Cát Hiệp tham gia mô hình cho biết: Trồng lạc xen canh sắn trên vùng đất cát cho năng suất cao hơn trồng thuần. Nhờ trồng xen 2 loại cây với chế độ đầu tư thâm canh mà cây lạc và sắn sinh trưởng, phát triển tốt hơn, do đất được cải tạo tơi xốp, nhờ rễ lạc có các nốt sần làm tăng thêm độ phì... Sau khi thu hoạch lạc, một phần thân và lá lạc sẽ dùng để che phủ gốc mì nhằm duy trì độ ẩm và trả lại chất hữu cơ cho đất, một phần được sử dụng để chế biến thành thức ăn vỗ béo bò, tăng thêm thu nhập.

Thái Hà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang