Tăng năng suất doanh nghiệp ngành Công Thương còn nhiều 'nút thắt'

author 06:40 11/12/2016

(VietQ.vn) - Việc áp dụng những tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000... sẽ giúp các doanh nghiệp có ý thức trong việc đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đó là một trong những giải pháp chung đối với doanh nghiệp được ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ trong Hội nghị “Thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công thương” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương cho biết, Việt Nam đã trải qua một quá trình tăng trưởng và phát triển hết sức mạnh mẽ, và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Kết quả của 30 năm đổi mới đã tạo cho Việt Nam những diện mạo và vị thế mới xét trên các khía cạnh về tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong những năm qua có thế thấy vẫn chủ yếu theo bề rộng, dựa vào khai thác tài nguyên sẵn có, gia tăng vốn đầu tư và lao động rẻ, chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu, chất lượng tăng trưởng; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa còn ở mức thấp.

Kết quả tính toán năng suất của các ngành công nghiệp do Bộ Công Thương thực hiện cho thấy: những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao gồm: năng lượng, thép, hoá chất (dao động từ 450 triệu đến trên 1 tỷ đồng/người năm), nhóm các ngành có năng suất lao động thấp gồm: Dệt may, Da giầy.. Tuy nhiên, năng suất cao ở các nhóm ngành trên chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư. Tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, phương thức quản lý hiện đại trong các ngành còn hạn chế. Điều này thể hiện rõ nét ở chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng và mức độ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong các ngành trong giai đoạn 2011 - 2013 luôn duy trì ở mức thấp.

“Nguyên nhân khách quan có thể dễ dàng nhận thấy đó là 96% các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hạn chế ở nhiều mặt. Đặc biệt là trình độ công nghệ với trên 80% được đánh giá là ở mức trung bình và thấp, khả năng hấp thụ công nghệ, đổi mới sáng tạo hạn chế được xem như vùng trũng nhất, kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với thế giới. Về mặt chủ quan, yếu điểm của các doanh nghiệp Việt Nam chính là lối tư duy, kinh doanh theo kiểu nông nghiệp, manh mún. Biểu hiện rõ nét nhất là trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp lạc hậu. Chưa bắt với những xu hướng hiện đại của các doanh nghiệp trên thế giới” - Ông Nguyễn Phú Cường chia sẻ.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị

Đưa ra giải pháp chung đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho rằng cần tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển về quy mô để từ đó nâng cao năng suất của toàn ngành. Mặt khác, tiếp tục tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và khuyến khích phát triển khoa học công nghệ.

Ngoài ra, cần cải cách đào tạo nghề trong các trường đại học, trung cấp dạy nghề, tăng phần thực hành kỹ năng áp dụng vào thực tế. Đặc biệt, việc áp dụng những tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, SA 8000 sẽ giúp các doanh nghiệp có ý thức trong việc đảm bảo chất lượng, môi trường và tuân thủ pháp luật, từng bước tạo uy tín trước khách hàng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Duy Hòa, Trưởng phòng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chia sẻ, thời gian tới Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” sẽ tiếp tục đẩy nhanh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp. Đồng thời tập trung xây dựng một số mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các ngành đặc thù, làm căn cứ phổ biến để nhân rộng trong các doanh nghiệp cùng ngành.

Đại diện Bộ Công Thương cũng đưa ra các biện pháp như tiếp tục đẩy mạnh triển khai có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, từ nâng cao nhận thức tới năng lực thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng, tiếp tục triển khai việc hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng các hệ thống quản lý hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến làm cơ sở nhân rộng và phát triển các phong trào năng suất cho các ngành công nghiệp….

Đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng ngành Công Thương(VietQ.vn) - Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các hoạt động cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong ngành và cả nước. 

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang