Tăng năng suất lao động của Việt Nam: Bài toán đã có câu trả lời?

author 20:33 25/10/2018

(VietQ.vn) - Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam tương đối cao, tuy nhiên vẫn ở mức thấp khi so sánh với NSLĐ bình quân của một số nước Đông Bắc Á và ASEAN.

NSLĐ Việt Nam đã tăng lên mức 60,73 triệu đồng/lao động

Tại Hội thảo đối thoại chính sách “Tăng năng suất lao động cho Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR cho biết, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong nhiều năm gần đây. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2012 là 3,29%/năm. Trong giai đoạn 2012 – 2017, mức tăng trưởng này đã tăng lên 5,3%, đặc biệt tăng trưởng NSLĐ cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%.

Tính theo giá trị, NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động vào năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động vào năm 2017.

Tuy nhiên, theo ông Thành, mặc dù Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng NSLĐ tương đối cao, song NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp khi so sánh với NSLĐ bình quân của một số nước Đông Bắc Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (như Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia).

 Ông Nguyễn Đức Thành cho biết, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong nhiều năm gần đây. Ảnh: VEPR

Cụ thể, năm 2015, NSLĐ tất cả các ngành kinh tế của Việt Nam hầu hết ở mức gần hoặc thấp nhất trong tương quan với các nước so sánh. Trong đó, NSLĐ của Việt Nam thấp nhất ở các ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi, truyền thông.

Việt Nam chỉ có NSLĐ cao hơn một số quốc gia ở các nhóm ngành như khai mỏ và khai khoáng, tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng…

Ngoài ra, nếu so với các nhóm nước trên thế giới, năm 2017, NSLĐ của Việt Nam gấp 2 lần NSLĐ trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm các nước trung bình cao.

Xây dựng một phong trào về tăng NSLĐ ở từ cấp độ quốc gia cho đến doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ chung của Việt Nam trong thời gian vừa qua là do hiệu ứng nội ngành (tức tự bản thân mỗi ngành tăng năng suất lên) và hiệu ứng dịch chuyển (tức dịch chuyển lao động từ ngành có NSLĐ thấp lên ngành có NSLĐ cao). Tuy nhiên, hiệu ứng dịch chuyển vẫn có đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng NSLĐ so với hiệu ứng nội ngành.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Hùng – Trưởng phòng Kinh tế vùng, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu xét theo các thành phần kinh tế thì khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữ vai trò quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam.

“Trong giai đoạn 2006 – 2016, mặc dù chỉ chiếm 4% lực lượng lao động, song đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ bình quân hàng năm của khu vực FDI đứng thứ hai (chiếm 29,3%), sau khu vực kinh tế ngoài nhà nước” – ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, đóng góp của khu vực FDI phần lớn do lao động dịch chuyển từ khu vực nội địa NSLĐ thấp sang khu vực FDI với NSLĐ tuyệt đối cao hơn (phần đóng góp này chiếm 64%). Trong khi đó, đóng góp từ tăng trưởng NSLĐ của chính khu vực FDI (đã trừ phần đóng góp từ dịch chuyển lao động) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều, chỉ chiếm 36%.

“Đặc biệt, mức độ liên kết ngược và liên kết xuôi giữa khu vực FDI với khu vực nội địa hầu hết đều thấp ở tất cả các ngành, đặc biệt là nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cao. Điều đó hàm ý rằng, khả năng tác động gián tiếp vào NSLĐ của khu vực FDI thông qua hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và kỹ năng lao động là thấp” – ông Hùng nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, để tăng NSLĐ của Việt Nam cần xây dựng một phong trào về tăng NSLĐ từ cấp độ quốc gia cho đến doanh nghiệp (DN) và cả ở cấp độ hộ gia đình, giống như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc trước đây đã từng xây dựng phong trào quốc gia rất nghiêm túc, quy củ về tăng NSLĐ.

Theo đó, ở cấp độ vĩ mô, cần gia tăng cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng NSLĐ như các chính sách về hỗ trợ đầu tư chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Ở cấp độ DN, theo ông Nguyễn Đăng Minh – Phó Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 2 yếu tố then chốt giúp thúc đẩy tăng NSLĐ của DN, đó là yếu tố về công nghệ và quản trị DN. Theo đó, DN cần chú trọng dành nguồn lực đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại. Cùng với đó, DN cần áp dụng hệ thống quản trị tinh gọn trong điều hành, quản lý DN.

“Việc chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại cùng với áp dụng hệ thống quản trị tinh gọn sẽ giúp DN tăng NSLĐ, nâng cao hiệu quả sản xuất, cắt giảm lãng phí… Từ đó, góp phần thúc đẩy DN phát triển một cách bền vững cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt trên trường quốc tế” – ông Minh nói.

“Tăng trưởng NSLĐ Việt Nam vẫn ở dưới mức cần thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Do đó, vấn đề tăng NSLĐ cần trở thành mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu như hiện nay. Bởi, chỉ bằng cách nâng cao NSLĐ, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu lại các ngành công nghiệp và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu…” – ông Peter Girke – Trưởng đại diện Viện KAS khuyến nghị.

Khơi dòng cải cách, củng cố niềm tin đầu tư kinh tế Việt Nam(VietQ.vn) - Theo số liệu ước tính được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư”, tăng trưởng kinh tế năm 2018 được dự báo có thể đạt mức 6,88%.

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang