Tăng thuế môi trường với giá xăng có thể không gây ra lạm phát

author 06:19 18/10/2018

(VietQ.vn) - Theo giám đốc Ngân hàng châu Á tại Việt Nam thì tăng thuế môi trường với giá xăng không nhất thiết gây ra lạm phát. Ngược lại, còn giúp Chính phủ có thể cải thiện việc thu ngân sách.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít).

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Tuy nhiên, theo Viện trưởng VEPR, việc tăng thuế có thể làm tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6 điểm phần trăm trong một năm tới.

Trước đó, theo báo cáo đánh giá tác động về tăng thuế môi trường với xăng, dầu được Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tăng sắc thuế này sẽ chỉ khiến lạm phát 2019 tăng 0,07 - 0,09%.

Bình luận về con số trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, Tiến sĩ Phạm Thế Anh - chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, "quá thấp, thiếu chính xác". Theo ông, đánh thuế vào xăng dầu còn ảnh hưởng đến nguyên vật liệu, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới giá hàng hóa, tiêu dùng của hộ gia đình và doanh nghiệp. "Thuế với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến cả tiêu dùng hộ gia đình và doanh nghiệp", Tiến sĩ Thế Anh lưu ý.

Chia sẻ trước đó với báo chí, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, xăng dầu là một mặt hàng vật tư chiến lược với nền kinh tế, ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng, an ninh quốc phòng... nên tăng thuế sẽ tác động không nhỏ đến chi phí đầu vào mọi ngành. Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, thu nhập của người Việt chỉ ở mức trung bình thấp thì điều này càng bất hợp lý.

Tăng thuế môi trường với giá xăng có thể không gây ra lạm phát

 Tăng thuế môi trường với giá xăng có thể không gây ra lạm phát.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, Giám đốc ngân hàng châu Á tại Việt Nam lại cho rằng, tăng thuế môi trường với giá xăng không nhất thiết gây ra lạm phát. Bởi, theo giám đốc ngân hàng châu Á: “Nếu như tăng giá xăng và từ đây làm kích động tăng giá của những mặt hàng khác thì lúc đấy sẽ gây áp lực về lạm phát. Còn việc tăng thuế môi trường với giá xăng chỉ có thể có tác động ngắn hạn đối với lạm phát. Nhưng rõ ràng, tăng thuế môi trường với xăng dầu lại giúp cho Chính phủ có thể cải thiện tăng thu ngân sách. Vì vậy, cần nhìn nhận những tác động tích cực chứ không nên nhìn nhận những tác động tiêu cực của việc tăng thuế môi trường đối với giá xăng”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, việc tăng thuế môi trường với giá xăng lên thêm 1000 đồng cũng chỉ như việc giá xăng tăng, giảm theo chu kì và không ảnh hưởng nhiều đến giá cả thị trường. Tuy nhiên, vị chuyên gia này đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi thuế môi trường với giá xăng tăng thêm 1.000 đồng và nên thay vào đó là Quỹ cho môi trường giá xăng dầu.

“Vì Quỹ cho môi trường xăng dầu tốt hơn Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo tôi quỹ bình ổn giá xăng dầu không có tác dụng mà còn làm tăng thêm giá xăng dầu”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận định.

Thống kê của Chính phủ cũng cho thấy, chi ngân sách Nhà nước để bảo vệ môi trường luôn cao hơn số thuế bảo vệ môi trường thu được. Giai đoạn 2012 – 2017 tổng chi ngân sách cho bảo vệ môi trường khoảng 158.008 tỷ đồng, trong khi số thu thuế môi trường chỉ 150.810 tỷ.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang