Tăng thuế thuốc lá và nỗi lo ‘Vùng trũng’ buôn lậu

author 17:34 08/11/2014

Vấn nạn buôn lậu thuốc lá hiện rất phức tạp và càng có nguy cơ tăng mạnh nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên.

Thảo luận mới đây về Dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình với đề xuất tăng thuế TTĐB đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, để phát huy hiệu tăng thuế thì biện pháp về chống buôn lậu là điều cần quan tâm trước hết.

Cảnh báo: 'Vùng trũng' buôn lậu

Hiện nay, thuế thuốc lá Việt Nam ở mức (41%). Do đó, dự thảo luật đã đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá từ ngày 1/1/2016 từ 65% lên 70% và từ 1/1 /2019 sẽ tăng từ 70% lên 75%.

Tuy nhiên, không ít đại biểu lo ngại việc tăng thuế sẽ khiến kích thích hoạt động buôn lậu thuốc lá phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng lưu ý, đằng sau mỗi điếu thuốc là hàng trăm nghìn người lao động và nông dân. Vì thế, tăng thuế cần có lộ trình phù hợp. Đừng để tăng thuế lên cao chỉ dân buôn lậu cười sướng.

Ông Trần Du Lịch, đại biểu TP. Hồ Chí Minh phân tích: "Việc tăng thuế phải đi kèm theo 1 đề án chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả thì mới có tác dụng. Hiện nay, nhiều nước áp thuế TTĐB đối với thuốc lá rất cao, nhưng 3 nước có biên giới với nước ta là Trung Quốc, Lào và Campuchia mức thuế này lại rất thấp. Điều này khiến cho chúng ta càng tăng thuế lại càng tạo ra vùng trũng về giá dẫn đến việc kích thích buôn lậu ra tăng mạnh hơn".

Từ thực tế, địa bàn bỏng về buôn lậu, bà Mai Thị Ánh Tuyết đại biểu An Giang cho biết: Thuế thuốc lá tại Campuchia là 10%, Lào 35%, còn ở nước ta đang muôn lên 65 - 75%. Bà Tuyết đề nghị, cân nhắc việc tăng thuế. Thực tế cho thấy sau mỗi lẫn tăng thuế đối với thuốc lá cho thấy không giảm được người sử dụng.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình với đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (tỉnh Hà Tĩnh) cũng lo ngại, việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm giá mặt hàng này tăng theo nhưng liệu có giảm người tiêu thụ?. Mặt khác, quản lý không tốt sẽ để cho thuốc ngoại tràn vào, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và thất thu ngân sách. Đây là bài toàn nan giải đối với các cơ quan quản lý.

Việt Nam hiện là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 ở châu Á. Năm 2013 lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần, làm thất thu NSNN 6.500 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2014, thuốc lá nhập lậu tăng lên 30 - 40%, xuất hiện thêm nhiều nhãn mác mới, giá rẻ, và lan tràn khắp các tỉnh trên phạm vi cả nước.

Lộ trình phòng chống buôn lậu thuốc lá?

Bà Nguyễn Thanh Hải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình lại cho rằng: "Nguy cơ rất lớn đó là hàng lậu sẽ tràn vào trong thị trường khi thuế TTĐB thuốc lá tăng lên. Do vậy, tôi đề nghị là cần phải có phân tích cụ thể và phương án phối hợp với Bộ Công Thương để ngăn chặn tình trạng buôn lậu".

Tăng thuế đã có phương án và nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng điều lo ngại lớn nhất là chống buôn lậu để bảo vệ DN và tăng hiệu quả chính sách thuế thì vẫn còn nhiều băn khoăn.

"Thuế các mặt hàng càng cao, buôn lậu càng mạnh, triệt tiêu sản xuất trong nước. Bởi vậy, lộ trình tăng thuế cần gắn chặt với giải pháp chống buôn lậu, không khuyến khích sản xuất", đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Hà Nội, việc nâng thuế suất thuốc lá là điều rất bình thường nhưng nên làm rõ lộ trình tăng thuế. Ngoài ra, tình hình buôn lậu thuốc lá ngày càng gia nên cần phải có giải pháp để tăng thuế nhưng không để ảnh hưởng đến sản xuất của DN nội địa.

Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, thuốc lá lậu ngày càng gia. Nếu, 2013, thuốc lá lậu vào Việt Nam là 17 tỷ điếu thì con số này trong năm 2014 dự kiến sẽ tăng 30-40%, dự báo sẽ mất tới 8.000 tỷ đồng vì thuốc lá lậu. Trước đây, thương hiệu thuốc lá chủ yếu nhập lậu Jet, Hero với giá khá cao khoảng 15.000-16.000/bao thì hiện nay đã xuất hiện hàng trăm loại thuốc lá với khoảng giá rất phong phú từ 3.000 tới hàng chục nghìn đồng mỗi bao và phủ khắp cả nước.

Ông Cường cũng cho rằng, lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh thuốc lá lậu chỉ sau ma túy. Vì vậy mà các đầu nậu tìm mọi thủ đoạn buôn lậu. Dự kiến trong năm 2014, thuốc lá lậu sẽ làm thất thu NSNN 8.000 tỷ đồng. Trong khi, thuốc lá lậu đang dễ dàng tồn tại trên thị thì thuốc lá Việt Nam lại phải kinh doanh trong điều kiện môi trường pháp lý nghiêm thì bất lợi, trong khi thuốc lá lậu được hưởng lợi. NSNN giảm và mục tiêu giảm tiêu dùng thuốc lá cũng không đạt được do người dùng chuyển sang hút thuốc lá lậu.

Theo các chuyên gia, việc tăng thuế TTĐB không phải chỉ để thực hiện mục tiêu tăng ngân sách mà chính là biện pháp để định hướng tiêu dùng, hạn chế người dân sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Vì thế, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc lộ trình và các biện pháp đồng bộ để đảm bảo việc tăng thuế là có hiệu quả, tránh những tác động ngược, vừa không đạt được mục tiêu tăng ngân sách, vừa không giảm tiêu dùng thuốc lá, tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước, chỉ có buôn lậu thuốc lá được hưởng lợi. Điều quan trọng nhất, đi đôi với tăng thuế cần phải có biện pháp chống buôn lậu để bảo vệ DN, tránh thất thu cho ngân sách.

 

Theo Vietnamnet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang