Tăng thuế VAT: Tránh tăng sốc gây ‘tổn thương’ người thu nhập thấp

authorDương Phương Ngọc 12:24 20/08/2017

(VietQ.vn) - Theo TS Vũ Thành Tự Anh -Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright: Khi tăng thuế VAT, người thu nhập thấp sẽ chịu "tổn thương" nhiều hơn.

Bộ Tài chính vừa đề xuất chuyển một loạt hàng hoá từ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) lên chịu thuế, những nhóm hàng đang áp mức 5% hiện tại lên 10% và tăng mức thuế VAT thông thường từ 10% lên 12%. Đây là loại thuế gián thu và đánh trực tiếp vào người tiêu dùng.

Bởi lẽ, thuế giá trị gia tăng đang được áp dụng lên rất nhiều hàng hóa, dịch vụ mà hằng ngày mọi người dân sử dụng, từ ăn uống, học hành, chữa bệnh, du lịch, giải trí, đi lại.... Do đó, tăng thuế sẽ tác động tăng giá hàng hóa, dịch vụ, điều này sẽ tác động tới đời sống của người dân và nền kinh tế.

Sốt xuất huyết vượt kỷ lục 10 năm: Muỗi 'khôn' hơn, khó phát hiện hơn(VietQ.vn) - So sánh số liệu trong 10 năm trở lại đây thì hiện Hà Nội đang lập kỷ lục mới về số ca mắc sốt xuất huyết. Việc tìm các ổ bọ gậy năm nay khá đặc biệt, muỗi "khôn" hơn khi đẻ ở những nơi khó tìm như ở khay nước dưới đáy tủ lạnh.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, những mặt hàng thiết yếu gắn với yếu tố đầu vào của sản xuất mà làm tăng giá thành, thì cần hết sức cân nhắc.

“Chúng ta cần rà soát kỹ, có thể tăng ở một số mặt hàng không thiết yếu, không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, nước ngọt…Không nên tăng đồng loạt cùng một mức cho tất cả các mặt hàng, nên lọc để có mức tăng, lộ trình và thời điểm tăng thích hợp, tránh sốc cho nền kinh tế và không ảnh hưởng tới nhiều mục tiêu khác như ổn định sản xuất, an sinh và quyền lợi của người dân” – ông Phong nhận xét.

Ngoài ra, ông Phong nhấn mạnh: Bên cạnh tăng thu ngân sách cũng cần cải cách thủ tục hành chính, bộ máy để giảm chi tiêu thường xuyên còn nếu cứ giữ nguyên thế mà tăng thu ngân sách thì không giải quyết được vấn đề”.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Bộ Tài chính cần cân nhắc. Ảnh: V.Cường

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh -Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết trên trang Tạp chí điện tử Nhịp Sống Số rằng: tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP.

"Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả", ông Tự Anh chia sẻ.

Theo ông Tự Anh, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện cao hơn hẳn so với các nước EU – là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam.

"Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách", chuyên gia Fulbright cho hay.

Bên cạnh đó, ông Tự Anh khẳng định: khi tăng thuế VAT, người thu nhập thấp sẽ chịu "tổn thương" nhiều hơn.

Cùng chung quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng: Với việc tăng này, người tiêu dùng dù giàu hay nghèo đều phải đóng chung một mức VAT cho cùng một loại hàng hóa. Do vậy, nếu VAT tăng, số tiền người tiêu dùng thu nhập thấp phải đóng thuế sẽ chiếm một tỷ trọng lớn so với thu nhập của họ.

Vì vậy, theo các chuyên gia: Bộ Tài chính cần cân nhắc khi đánh thuế gián thu vì nó không thể điều chỉnh theo thu nhập và hỗ trợ người nghèo.

Trước đó, Bộ Tài chính giải trình rằng, lý do của việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng vì trong quá trình thực hiện, Luật thuế Giá trị gia tăng hiện hành phát sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, ở nhóm đối tượng không chịu thuế VAT như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất chuyển nhóm này từ không chịu thuế lên chịu thuế VAT.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất, các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ lên 6%; mặt hàng đang chịu thuế 10% lên 12%, bắt đầu từ 1/1/2019. Lý giải về mức tăng này, Bộ Tài chính nhận định mức thuế suất thông thường 10% hiện nay là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính dẫn chứng, nhiều nước trên thế giới điều chỉnh tăng loại thuế này. Ví dụ thuế suất trung bình tại các nước EU từ 19% (năm 2000) tăng lên gần 21,5% (năm 2014). Các nước xung quanh như ở Lào, Indonesia, Campuchia mức thuế phổ thông là 10%, Philippines là 15%, Trung Quốc mức thuế phổ thông là 17%, ưu đãi là 13%...

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang