Tăng tốc sản xuất công nghiệp trong năm 2021

author 06:49 06/04/2021

(VietQ.vn) - Để tăng tốc độ sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu…

Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến của dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu năm, song sản xuất công nghiệp quý I/2021 vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khởi sắc rõ rệt, vẫn có không ít lĩnh vực ghi nhận khó khăn, thách thức, điển hình như ngành thép, cơ khí. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ đầu năm đến nay thị trường thép nhìn chung ảm đạm với hoạt động sản xuất cầm chừng, bán hàng giao dịch rất ít do các công trình, dự án dừng lại hoặc giãn tiến độ thực hiện vì lo ngại dịch bệnh bùng phát. Hàng hóa lưu thông chậm do nhu cầu trong nước chậm.

Tương tự với ngành cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI) chia sẻ: Khó khăn lớn nhất, khó tháo gỡ nhất đối với các doanh nghiệp là đơn hàng. "Doanh số của các doanh nghiệp ô tô năm nay so với năm ngoái giảm rất nhiều. Các doanh nghiệp chế tạo cơ khí sau một năm Covid-19, đơn hàng bắt đầu ít đi trong khi cước vận chuyển tăng", ông Nguyễn Chỉ Sáng cho biết.

Dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến của dịch Covid-19, song sản xuất công nghiệp quý I/2021 vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa. 

Để tăng tốc độ sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu. Điều này cũng góp phần tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.

“Đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc, khi các quốc gia đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Australia... đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc. Với một số FTA thế hệ mới, Việt Nam càng có cơ hội được chọn nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) nhận định.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cho biết, trong tháng 3/2021 cũng như các tháng tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

“Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm...”, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin.

Đặt mục tiêu có 25-30 sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2021(VietQ.vn) - Hà Nội đặt mục tiêu có từ 25-30 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2021.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang