Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến người trẻ thêm thất nghiệp?

author 07:10 14/10/2016

Hiện dư luận đang rất quan tâm tới việc tăng tuổi nghỉ hưu. Thực ra, đây mới chỉ là ý kiến của các chuyên gia, chứ Chính phủ đến thời điểm này chưa có đề xuất...

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội khẳng định như vậy với PV TP xung quanh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và mối lo vỡ Quỹ BHXH bên lề buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp để quản lý hiệu quả Quỹ BHYT, Quỹ BHXH”, do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 12/10.

Người trẻ thất nghiệp quá nhiều

+ Quan điểm của ông thế nào với ý kiến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu?

- Qua theo dõi, ý kiến của một số chuyên gia đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để sử dụng lao động có chất xám, lao động có trình độ kỹ thuật cao... Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu tăng tuổi nghỉ hưu, người trẻ ra trường sẽ biết ngồi vào đâu? Thực tế, 6 tháng đầu năm 2016, đã có 191.000 cử nhân ra trường không có việc làm. Do đó, tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu phải được tính toán kỹ. Nếu tăng thì tăng thế nào, tăng bao nhiêu, lộ trình tăng ra sao để đảm bảo nhu cầu thị trường lao động, đảm bảo việc làm và đảm bảo ổn định xã hội.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội

Hiện, chúng ta đang bước vào giai đoạn già hoá dân số. Nguồn nhân lực của chúng ta sẽ thiếu dần đi, nhưng vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được sự công bằng xã hội. Đặc biệt là phải đảm bảo việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đây là lực lượng lao động có bằng cấp, có đào tạo, có năng lực, chúng ta không thể để đội ngũ này thất nghiệp và thiếu việc làm như hiện nay. Do đó, bên cạnh phải bảo vệ, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng chúng ta cũng đừng lãng quên nguồn nhân lực trẻ có trình độ, có năng lực, có chuyên môn đang thiếu việc làm, thất nghiệp. Do đó, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến người trẻ thêm thất nghiệp.

+ Có thông tin cho biết Văn phòng Chính phủ đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu?

- Tôi nghĩ có thể họ đồng tình nhưng họ đang đồng tình trên dự án. Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội là cơ quan thẩm tra lần đầu nhưng đến thời điểm này Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH chưa trình dự thảo luật sửa đổi để thẩm tra. Hơn nữa, Bộ Luật Lao động sửa đổi dự kiến bắt đầu trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 5/2017, nhưng đến nay chưa có dự thảo.

+ Thực ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đã dấy lên từ năm 2012, nhưng đã bị Quốc hội bác?

- Đúng là việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được đề cập ở Bộ Luật Lao động năm 2012, nhưng đã không được Quốc hội chấp thuận. Lúc đó, Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ trình phương án 1 năm tăng 3 tháng để cho nam đạt đến tuổi 62 và nữ 58. Và phương án cả nam và nữ đều nghỉ hưu ở tuổi 60, trong đó nữ có quyền được nghỉ sớm từ 1-5 năm. Tuy nhiên, cả hai phương án này đã không được Quốc hội chấp thuận. Sau đó, Quốc hội đã xử lý bằng Điều 187 trong Bộ Luật Lao động là có cả về hưu theo tuổi nam 60, nữ 55. Ngoài ra, ai lao động nặng nhọc, độc hại, được giảm tuổi theo quy định.

Tại Khoản 3, Điều 187 quy định rằng, người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, người có trình độ quản lý được kéo dài thời gian làm việc nhưng tối đa không quá 5 năm. Hiện, Chính phủ cũng đã có hướng dẫn bằng Nghị định (ban hành năm 2015) cho 2 nhóm. Cụ thể, nhóm Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND của hai thành phố Hà Nội và TPHCM được nghỉ ở tuổi 60 đối với nữ; Toà án cũng được quy định kéo dài thêm nam không quá 65 tuổi và nữ không quá 60.

+ Được biết, một trong những lý do mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là nhằm tránh nguy cơ vỡ Quỹ BHXH, quan điểm của ông ra sao?

- Tiền nộp vào Quỹ BHXH chính là của để dành của người lao động. Nguyên tắc của Quỹ BHXH là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Quỹ phải được bảo toàn cho người lao động. Một nguyên tắc nữa là tiền lương của người về hưu phải đảm bảo cho người về hưu đủ sống. Nếu chúng ta không cân đối, không tính toán, khi người lao động về hưu hoặc lương hưu không đủ sống, rõ ràng chính sách đã không đạt được yêu cầu. Do đó, muốn đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, mức nâng bao nhiêu và Quỹ BHXH có vỡ hay không, chúng ta phải nghiên cứu, tính toán tỉ mỉ, khoa học. Quỹ BHXH không phải như Quỹ BHYT. Quỹ BHYT là chia sẻ; còn Quỹ BHXH dứt khoán phải giữ chặt tiền cho người lao động.

Không lo vỡ Quỹ BHXH

+ Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, việc chi BHXH do một mình BHXH Việt Nam làm nên không minh bạch?

- Tôi cho rằng nói như vậy là không đúng. Luật pháp quy định rất rõ: Cơ quan BHXH Việt Nam có chức năng thực hiện chế độ chính sách và quản lý theo quy định của pháp luật. Chúng ta đừng nghĩ rằng, tất cả tiền trong Quỹ BHXH, BHXH Việt Nam muốn làm gì thì làm. Ở Trung ương, chúng ta có Hội đồng quản lý Quỹ BHXH và Quỹ BHYT. Hội đồng đó bao gồm đại diện tất cả các cơ quan liên quan. Phương án nào liên quan đến Quỹ BHXH đều do Hội đồng quản lý Quỹ BHXH quyết định. Thậm chí, kể cả việc tăng trưởng đầu tư Quỹ BHXH cũng phải do Hội đồng quyết định, chứ BHXH Việt Nam không có quyền.

Tôi xin khuyến cáo với người dân là Quỹ BHXH và Quỹ BHYT của chúng ta được Nhà nước bảo hộ. Nhiều người cứ lăn tăn chuyện này chuyện khác, nhưng xin thưa quản lý một đồng, chi một đồng qua ngân sách không phải đơn giản vì rất chặt chẽ.

Hơn nữa, Quỹ BHXH là của để dành của người lao động đóng vào. Do đó, trách nhiệm của BHXH Việt Nam là phải công khai cho người lao động biết mức đóng và mức hưởng. Bắt đầu từ 1/1/2020, người lao động tham gia BHXH sẽ có tài khoản của riêng mình để biết được tiền của mình tham gia BHXH như thế nào.

+ Có ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục duy trì tình trạng đóng hưởng mất cân đối như hiện nay, khả năng vỡ Quỹ BHXH và Quỹ BHYT sẽ xảy ra?

- Với tình trạng đóng hưởng hiện nay, nếu tính đúng, tính đủ đầu vào của Quỹ Khám chữa bệnh thì nó sẽ mất cân đối vào đầu năm 2019; còn Quỹ BHXH khi làm Luật BHXH năm 2012 (trước khi có Luật BHXH sửa đổi bổ sung năm 2014), Quỹ BHXH dự báo sẽ vỡ vào khoảng năm 2037. Nhưng đấy chỉ là dự báo. Việc ai đó lo lắng, băn khoăn là đúng. Tuy nhiên, chúng ta hiện vẫn còn dư địa. Quỹ BHYT theo luật quy định, trần đóng cuối cùng là 6%. Hiện, chúng ta mới đóng 4,5%. Do vậy, chúng ta đang còn dư địa để đóng thêm vào Quỹ này.

Nhiều người cũng băn khoăn là Quỹ BHXH của chúng ta sẽ mất cân đối. Thực tế, chúng ta đang đóng ít, hưởng nhiều. Theo dự báo, mức đóng hiện nay chịu được 14 năm, nhưng chúng ta lại sống bình quân tuổi thọ 23,5. Do đó, khoảng chênh lệch này thiếu là đúng. Hơn nữa, khi chúng ta tham gia BHXH lẽ ra 15 năm chỉ tương ứng khoảng 37%, chúng ta đã nâng lên 45% để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Như vậy mức chênh là 8% nên Nhà nước phải bù đắp khoản 8% này. Tuy nhiên, người dân yên tâm, Quỹ BHXH và Quỹ BHYT đều do Nhà nước bảo hộ nên không lo vỡ quỹ.

Cảm ơn ông!

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn già hoá dân số. Nguồn nhân lực của chúng ta sẽ thiếu dần đi, nhưng vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được sự công bằng của xã hội. Đặc biệt là phải đảm bảo được việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đây là lực lượng lao động có bằng cấp, có đào tạo, có năng lực, chúng ta không thể để đội ngũ này thất nghiệp và thiếu việc làm như hiện nay”.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội

Theo TP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang