Tạo bước chuyển biến rõ nét về năng suất chất lượng

authorNguyễn Nam 11:22 01/04/2014

(VietQ.vn) - Chương trình 712 đang được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nhiều doanh nghiệp dệt may áp dụng thành công 5S vào sản xuất

Nhiều doanh nghiệp dệt may áp dụng thành công 5S vào sản xuất. Ảnh minh họa

Theo nhận định của cơ quan chức năng, Phong trào năng suất chất lượng (NSCL) thời gian qua tuy đã mang lại nhiều dấu ấn quan trong, nhưng vẫn phát triển chậm, chưa đáp ứng được đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đang diễn ra với tốc độ ngày một cao.

Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg (Chương trình 712) đang được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Phong trào thúc đẩy hoạt động NSCL được nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Malaysia hình thành và phát triển từ rất sớm đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia này.

Ở Việt Nam, các hoạt động NSCL được khởi xướng từ năm 1995, gắn với Thập niên chất lượng lần thứ nhất (1996 – 2005). Các hoạt động trong giai đoạn này đã tạo bước khởi đầu quan trọng cho việc quảng bá và thúc đẩy các tổ chức/doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến nhằm nâng cao NSCL và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chặng đường NSCL tại Việt Nam chưa dài nhưng cũng đã tạo được những nền tảng quan trọng về nhận thức của doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng về tầm quan trọng của NSCL đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội.

Đón bắt những yêu cầu của hội nhập đặt ra và thúc đẩy sự phát triển về NSCL cho sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chương trình 712. Chương trình này sẽ hướng đến xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa; Tạo bước chuyển biến rõ rệt về NSCL của các sản phẩm, hàng hoá chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ban điều hành Chương trình 712 đánh giá, phong trào năng suất chất lượng ở bộ, ngành, địa phương đang có nhiều chuyển biến tích cực

Ban điều hành Chương trình 712 đánh giá, phong trào năng suất chất lượng ở bộ, ngành, địa phương đang có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa

Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2015 sẽ tiến hành xây dựng mới 4.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), bảo đảm đồng bộ các TCVN cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế; mục tiêu 45% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Bên cạnh đó tiến hành quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường. 40.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL. Và điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là phấn đấu góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước lên 30% vào năm 2015.

Trong giai đoạn 2016-2020, xây dựng mới thêm 2.000 TCVN; 60% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực. 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế. Giai đoạn này sẽ nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên 35% vào năm 2020.

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, đầu năm 2011, Chương trình đã chính thức được khởi động với các công việc được triển khai gồm: Xây dựng và ban hành cơ chế quản lý, triển khai thực hiện Chương trình; tổ chức Hội nghị phổ biến triển khai Chương trình; hướng dẫn xây dựng các dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương; triển khai các dự án thuộc Chương trình như: "Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật"; "Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng"... Đến nay, Chương trình đã tổ chức hội nghị triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ các nhà quản lý, doanh nghiệp. Đây là những tín hiệu tốt cho sự khởi đầu của một chặng đường tiếp theo.

Trong thời gian tới, sẽ còn rất nhiều hoạt động được triển khai như: Đào tạo, tập huấn áp dụng các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; xây dựng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, triển khai các hoạt động đánh giá, đo lường năng suất và chất lượng...

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay các hoạt động triển khai tìm kiếm và xây dựng mô hình điểm về áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng đâng được đẩy mạnh. Thông qua các hoạt động đó giúp doanh nghiệp và các bên liên quan thấy rõ những lợi ích và hiệu quả mà Chương trình đưa ra.

 

 

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang