Tạo bước đột phá về thị trường khoa học và công nghệ

author 07:42 19/11/2013

Khoa học và công nghệ (KHCN) muốn phát triển cần rất nhiều yếu tố, trong đó thị trường KHCN đóng một vị trí quan trọng. Trong những năm gần đây, thị trường KHCN ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể nhưng chưa thực sự sôi động và hiệu quả.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình Phát triển thị trường KHCN đến năm 2020 với mục tiêu tạo bước đột phá về thị trường KHCN trong những năm tới…

Nhiều khởi sắc…

Theo Bộ KH - CN, trong những năm qua, thị trường KHCN nước ta đã có nhiều khởi sắc và hứa hẹn tiềm năng to lớn. Nhà nước đã tập trung đầu tư nhiều dự án, chương trình nhằm thúc đẩy nguồn cung sản phẩm KHCN do các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc doanh nghiệp tạo ra. Đặc biệt, việc chuyển đổi các tổ chức KHCN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Nghị định 115 - năm 2005) hoặc doanh nghiệp KH - CN (Nghị định 80 - năm 2007) đã tạo cơ sở cho các tổ chức KHCN thay đổi cách thức hoạt động, chú trọng tới thị trường và khách hàng nhiều hơn...

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ bên có nhu cầu sử dụng sản phẩm KHCN; ban hành chính sách tín dụng ưu đãi thông qua thành lập các loại quỹ... Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh để phát triển.

Sự khởi sắc đáng chú ý nhất của thị trường KHCN nước ta chính là sự hình thành và phát triển của các chợ công nghệ và thiết bị - Techmart Vietnam. Từ năm 2003, Techmart Vietnam lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc gia. Sự kiện này được xem như một cú hích quan trọng đối với sự phát triển KHCN. Từ đó đến nay, Techmart được tổ chức ngày một nhiều hơn và nhanh chóng trở thành nơi gặp gỡ của các nhà quản lý, nhà khoa học và các nhà sản xuất, kinh doanh. Nếu như Techmart năm 2003, các đơn vị nước ngoài tham gia chỉ đếm “trên đầu ngón tay”, thì Techmart 2005 đã thu hút được 40 đơn vị nước ngoài và khách mời quốc tế.

Đặc biệt, là từ sau năm 2006, hàng loạt các Techmart được tổ chức thành công ở Hòa Bình, Khánh Hòa, An Giang, Buôn Ma Thuột, Hà Nam, Quảng Ninh, Bình Dương, Quảng Nam, Hà Nội… nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tìm đến Việt Nam để bắt đầu cho việc tham gia vào thị trường mới mẻ ở Việt Nam. “Sân chơi” này đã có những thành công nhất định: số lượng hợp đồng ký kết tại các kỳ Techmart ngày một tăng và giá trị các giao dịch, mua bán công nghệ cũng tăng theo từâng năm (mỗi năm đạt xấp xỉ 35 - 40%)

Mặc dù đã có những bước khởi sắc đáng ghi nhận nhưng theo đánh giá chung thì thị trường KHCN nước ta chưa thực sự phát triển. Các sản phẩm công nghệ chất lượng cao còn ít; các giao dịch trên thị trường KHCN còn nghèo nàn, thể hiện sự phát triển ở trình độ thấp. Phần lớn các doanh nghiệp đến sàn giao dịch hay hội chợ chủ yếu là để mua bán máy móc chứ chưa tham gia các giao dịch có hàm lượng công nghệ cao hơn như mua bán bản quyền sáng chế, hợp đồng nghiên cứu và triển khai.

Thúc đẩy thị trường khoa học phát triển

Theo các chuyên gia, chỉ khi nào 1/2 số các viện và các trung tâm nghiên cứu tham gia vào việc mua bán, chuyển giao công nghệ, và 1/3 số lượng các doanh nghiệp tham gia trực tiếp việc trao đổi mua bán công nghệ thì khi đó thị trường công nghệ mới được coi là phát triển. Và để tạo bước đột phá về thị trường KHCN, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển thị trường KHCN đến năm 2020.

Theo quyết định, đến năm 2020, tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm, dịch vụ KHCN trên thị trường hằng năm bình quân không dưới 15%, không dưới 20% đối với một số công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ (giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật) trong tổng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường KHCN đạt không dưới 10% vào năm 2015 và không dưới 20% vào năm 2020. Đến năm 2020, sẽ thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo hệ thống tổ chức dịch vụ KHCN hỗ trợ, trọng tâm là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường KHCN. Trong đó, sẽ đổi mới quy trình, thủ tục đăng ký thành lập và hoạt động của tổ chức dịch vụ KHCN; thực hiện cơ chế khuyến khích hoạt động dịch vụ KHCN; rút ngắn khoảng cách phát triển của thị trường KHCN so với các loại thị trường khác. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với mạng lưới tổ chức dịch vụ KHCN đồng bộ đi kèm; mở rộng quy mô, tần suất, địa bàn hoạt động của các chợ công nghệ và thiết bị; đa dạng hóa các hình thức hoạt động và nâng cao tỷ lệ giao dịch thành công tại các chợ công nghệ và thiết bị; hỗ trợ thành lập các công ty đánh giá, định giá công nghệ, xuất nhập khẩu công nghệ, tổ chức chuyển giao công nghệ trong các trường đại học và viện nghiên cứu; khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức thuộc khu vực tư nhân thực hiện dịch vụ kỹ thuật, môi giới, tư vấn đánh giá, định giá, giám định công nghệ; đào tạo, xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp về dịch vụ công nghệ và thị trường KHCN...

Nhiệm vụ khác của chương trình là thúc đẩy nhu cầu công nghệ và nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ. Cụ thể, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ các chương trình KHCN quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư, liên kết tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KHCN đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; đổi mới, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ KHCN...

Giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra là: nâng cao năng lực quản lý về thị trường KHCN; bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ của chương trình; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường KHCN.

Theo ĐBND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang