Tảo hôn: Những đứa con ngoài giá thú

author 06:47 24/10/2012

(VietQ.vn) - Nạn tảo hôn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống những đôi vợ chồng trẻ mà còn ảnh hưởng tới tương lai những đứa con do họ sinh ra.

<br>
Ảnh minh họa

Cưới nhau đã được ba năm nhưng đôi vợ chồng H - Y vẫn chưa được phép đăng ký kết hôn vì Yến mới ở độ tuổi 17. Đứa con trai 3 tuổi của họ theo đó cũng chưa được làm giấy khai sinh. Y hồn nhiên nói: “Ôi dào, chuyện giấy tờ lằng nhằng, làm lúc nào chẳng xong. Việc quan trọng là kiếm đủ tiền nuôi hai bố con nhà nó. Thằng chồng em suốt ngày chỉ biết rong chơi, nhờ làm việc gì cũng khó”.

“Bố chồng em mấy lần xin cho anh ta đi làm công nhân nhưng chỉ được mấy hôm là nghỉ vì than vất vả. Chẳng trông mong, nhờ cậy được gì ở anh ta. Em phải tự bươn chải nuôi thân và nuôi “hai cái tàu há mồm”. Thôi thì gắng được ngày nào hay ngày đó. Không biết em có đủ sức kiếm tiền cho con ăn học sau này không, mà cũng không biết em có sống được với “thằng chồng” của em đến khi con em đi học hay không ?”, Y thoáng băn khoăn.

Gia đình H - Y sống trong ngôi nhà của ông chú cho ở tạm, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc ti vi nhỏ ở góc phòng. Nhìn những đứa trẻ vẫn hồn nhiên vui đùa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Tương lai các em rồi sẽ ra sao khi mà cha mẹ chúng đều đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Hai vợ chồng T - H cùng ba đứa con ở riêng trên mảnh đất heo hút gần nghĩa trang của làng, ruộng nương không có, hai vợ chồng sống bằng nghề làm thuê theo mùa vụ, ai thuê gì làm nấy. Mỗi năm gia đình T - H luôn trong cảnh thiếu ăn. Thằng con cả mới 5 tuổi đầu đã mò mẫm ra đồng bắt cá về cải thiện những bữa ăn lay lắt.

Những đôi vợ chồng trẻ khi về sống với nhau hầu hết đều trong cảnh không nghề nghiệp, không đất đai, không vốn liếng. Cuộc sống vợ chồng của họ cũng tạm bợ, luôn trên bờ vực của sự đổ vỡ, gây ra những gánh nặng không nhỏ cho xã hội.

Số tiền ba triệu đồng nhờ bố mẹ vay từ hồi lấy nhau bao năm qua vẫn không cách nào trả nổi. Đứa con cũng không được đi mẫu giáo vì bố mẹ chưa chịu ra xã làm giấy khai sinh. Thằng bé mếu máo: “Con muốn được đi học như các bạn, con xin bố mẹ nhiều lần nhưng mẹ nói không có tiền đóng học cho con. Bố thì bảo con còn thiếu cái giấy gì đó nên cô giáo không nhận vào lớp”.

Th về làm vợ N hai năm đẻ liền hai đứa. Càng “khủng” hơn khi biết rằng đứa thứ hai chỉ sau đứa đầu đúng 11 tháng khi Th cũng mới 16 tuổi. “Nó đẻ xong là hai vợ chồng lại ngủ với nhau, mới được mấy tháng đã thấy cái bụng nó “phình” lên rồi. Thế là mình lại được làm bố thôi”, N hồ hởi “khoe”.

Cũng vì vợ “nằm ổ” liên tục như thế nên chuyện kiếm ăn cho gia đình đè hết lên vai N. Một mình làm cật lực nhưng cũng chỉ lo được cho ba mẹ con Th trong vòng ít tháng. Cứ ra giêng là N lại đẩy mấy đứa con sang “bám” ông bà nội ngoại, còn mình “kiếm được cái gì ăn cái đó”. Cả hai đứa con của N đều chưa được làm giấy khai sinh.

Những đôi vợ chồng trẻ khi về sống với nhau hầu hết đều trong cảnh không nghề nghiệp, không đất đai, không vốn liếng. Cuộc sống vợ chồng của họ cũng tạm bợ, luôn trên bờ vực của sự đổ vỡ. Gây ra những gánh nặng không nhỏ cho xã hội.

(Còn nữa)

Thanh Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang