Tập đoàn Hà Đô nhiều lần bị 'sờ gáy': Vì đâu nên nỗi?

author 07:02 14/05/2020

(VietQ.vn) - CTCP Tập đoàn Hà Đô không ít lần bị cơ quan chức năng xử phạt vì sai phạm liên quan đến các dự án bất động sản, vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán...

Sự kiện: Kết quả kinh doanh

Tập đoàn Hà Đô nhiều lần bị 'sờ gáy'

Mới đây, Ban Quản trị chung cư Hà Đô - Nguyễn Văn Công đã có văn bản gửi tới Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, UBND TP.HCM đề nghị thanh tra việc chủ đầu tư - Tập đoàn Hà Đô chi nhánh miền Nam không bàn giao 2 nhà trẻ và bàn giao thiếu tiền lãi quỹ bảo trì chung cư.

Ban Quản trị chung cư này cho rằng, Tập đoàn Hà Đô chi nhánh miền Nam cố tình che giấu những sai phạm, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ hoàn công so với giấy phép xây dựng số 97 được Sở Xây dựng TP.HCM cấp vào tháng 9/2013. Tự ý thay đổi mặt bằng phòng sinh hoạt cộng đồng trong khu chung cư thành không gian thương mại. Do đó, Ban quản trị chung cư Hà Đô - Nguyễn Văn Công cũng có văn bản gửi các cơ quan liên quan tố chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì không đúng quy định pháp luật khi không bàn giao tài khoản cho ban quản trị nhà chung cư. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng cưỡng chế, thu hồi 1,7 tỷ đồng tiền lãi quỹ bảo trì đang giữ của cư dân.

 Yêu cầu kiểm tra Tập đoàn Hà Đô chưa bàn giao nhà trẻ, quỹ bảo trì.

Theo cư dân ở đây, chi phí xây dựng 2 khu nhà trẻ có diện tích 606,1m2 đã được Tập đoàn Hà Đô chi nhánh miền Nam tính vào giá bán căn hộ cho cư dân. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời ban quản trị nhà chung cư Hà Đô - Nguyễn Văn Công, Tập đoàn Hà Đô chi nhánh miền Nam cho rằng đã chuyển trả tiền lãi quỹ bảo trì chung cư tòa nhà đúng theo quy định của Luật nhà ở năm 2014. Chủ đầu tư đã chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả tiền lãi đúng quy định sang tài khoản của ban quản trị chung cư. Đối với 2 khu nhà trẻ, phía Tập đoàn Hà Đô chi nhánh miền Nam cũng khẳng định thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

Không chỉ một lần bị "bêu tên" trong việc không bàn giao nhà trẻ và quỹ bảo trì, tại địa bàn Hà Nội, tập đoàn này cũng đang vướng phải lùm xùm khi “xẻ thịt” đất vàng dự án cho thuê sai mục đích tại Dịch Vọng, Cầu Giấy. 

Cụ thể, khu vực bị chủ đầu tư cho thuê sai mục đích là lô đất CC3. Theo quy hoạch tổng thể, khu CC3 sẽ được xây dựng nhà dịch vụ 3 tầng với với tổng diện tích sàn 6.000 m2, tổng đầu tư dự kiến khoảng 60 tỷ đồng. Dự án này dự kiến khởi công vào quý 1/2011. Doanh thu dự kiến khi khai thác khoảng 20 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, 9 năm qua kể từ này dự kiến khởi công, khu đất này đã bị biến thành quán bia, sân tennis.

Trước đó, hồi tháng 1/2020, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Hà Đô, số tiền lên tới 70 triệu đồng.

Cụ thể, doanh nghiệp bị xử phạt vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu: Quyết định của Hội đồng quản trị số 125/QĐ-HĐQT ngày 9/2/2018 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu "Thi công hoàn thiện khu dân cư Hà Đô tại phường Thới An, quận 12, TP.HCM"; Quyết định của Hội đồng quản trị số 216/QĐ-HĐQT ngày 17/3/2018 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu "Thi công xây thô và hoàn thiện mặt ngoài giai đoạn 1 Dự án khu đô thị An Khánh- An Thượng"; Quyết định của Hội đồng quản trị số 287/QĐ-HĐQT ngày 30/3/2018 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu "Cung cấp và lắp đặt cửa nhôm kính, mái đón khu dân cư Hà Đô tại phường Thới An, quận 12, TP.HCM".

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hà Đô cũng chậm công bố thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành năm 2018; Quyết định của Hội đồng quản trị số 715/QĐ-HĐQT ngày 27/7/2018 phê duyệt giao thầu hạng mục "Thi công hạ tầng, vỉa hè đường Trần Đăng Ninh kéo dài" xung quanh tòa nhà CC1 – khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội; Quyết định của Hội đồng quản trị số 777/QĐ-HĐQT ngày 16/8/2018 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu "Thi công xây thô và hoàn thiện mặt ngoài khu BT2, BT3" khu đô thị An Khánh - An Thượng; Thông báo ngày đăng ký cuối cùng tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019; thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành năm 2019.

Năm 2019, doanh nghiệp này cũng nhiều lần bị sờ gáy. Cụ thể, vào tháng 11/2019, Tổng cục Thuế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với Tập đoàn Hà Đô. Số tiền doanh nghiệp này phải nộp lên tới 920 triệu đồng. Ngoài ra, Hà Đô còn bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp gần 4,58 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế tính đến hết ngày 29/10/2019 là 159,7 triệu đồng.

Hà Đô vẫn phải 'oằn mình' gánh nợ

Không chỉ vướng vào nhiều bê bối, bị xử phạt, Hà Đô còn là doanh nghiệp có nợ phải trả cao, chiếm tới 265% vốn chủ sở hữu. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần tăng 20% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng lại giảm hơn 12%. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 68%), đạt 734 tỷ đồng, tăng 21%; doanh thu từ thủy điện và điện mặt trời đạt 171 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và chiếm 16% trong doanh thu thuần của công ty.

Dù doanh thu tăng nhưng do giá vốn hàng bán tăng cao hơn nên lợi nhuận gộp của Hà Đô chỉ đạt 423 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 47% (quý I/2019) xuống 39% (quý I/2020).

Chi phí tài chính tăng cao là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HDG giảm hơn 8% so với cùng kỳ, đạt 296 tỷ đồng. Lãi ròng của công ty đạt 182 tỷ đồng, giảm hơn 12%.

Về hàng tồn kho, 3 tháng đầu năm ghi nhận 2.934 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, chủ yếu do giảm bất động sản xây dựng. Tính đến 31/3/2020, tổng tài sản của Hà Đô đạt 14.232 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 6.036 tỷ đồng, giảm nhẹ 28 tỷ đồng; tài sản dài hạn đạt 8.196 tỷ đồng, tăng 5%. Nợ phải trả của HDG tại ngày 31/03/2020 đạt 10.804 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm, chiếm 76% cơ cấu nguồn vốn.

Dù năm 2019 kinh doanh tích cực nhưng HDG vẫn đang đối mặt với áp lực trả nợ lớn. Cụ thể, tính tới thời điểm 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của HDG khoảng 3.852 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 10.211 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã lên tới mức hơn 265%, một mức quá cao so với mức trung bình của các doanh nghiệp niêm yết, cho thấy áp lực trả nợ của doanh nghiệp này rất lớn.

Thảo Nguyên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang