Tập đoàn Nam Cường: Long đong nợ nần, lợi nhuận giảm sút cùng loạt dự án 'đắp chiếu'

author 12:40 14/09/2020

(VietQ.vn) - Sở hữu hàng loạt dự án với diện tích "khủng" nhưng suốt thời gian dài “ôm đất” ngủ quên, trong khi gánh nặng hàng tồn kho và nợ vay khiến tình hình kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường không mấy sáng sủa.

Năm 2019, tình hình hoạt động của Tập đoàn Nam Cường có một số điểm cho thấy tín hiệu kinh doanh không mấy khả quan. Trong đó, nợ phải trả tăng cả về ngắn hạn và dài hạn. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng tăng nhanh. Chính những điều này khiến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sút.

Chưa dừng lại ở đó, đến cuối năm 2019, số dư hàng tồn kho tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa kinh doanh bất động sản không còn là mảnh đất màu mỡ của Nam Cường nói chung cũng như các doanh nghiệp bất động sản nói riêng...

 
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về hơn 300 dự án bỏ hoang ở Hà Nội.
 
Theo đó, báo chí phản ánh về nội dung: Hiện có tới hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện TP.Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất... Đây không phải vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại lại là điệp khúc không hồi kết...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh trên.
 

Đáng chú ý, hàng tồn kho chủ yếu nằm trong nhóm dự án vướng mắc, bị dừng triển khai làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn.

Cần nói thêm, Nam Cường được biết đến là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất "khủng". Để có được quỹ đất như vậy đa phần nhờ Nam Cường thực hiện các dự án BT. Trong các dự án lớn, Nam Cường được cấp đối ứng những diện tích đất không nhỏ.

Có thể kể đến Dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài (dài khoảng 2,7km, tổng mức đầu tư 676 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2010). Tại dự án này, Tập đoàn Nam Cường được nhận 46,1ha đất đối ứng tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân để xây dựng Khu đô thị Phùng Khoang.

Một dự án khác - dự án đường trục kinh tế Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ), Nam Cường được giao quỹ đất hai dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), quy mô 1.124 ha và Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất), quy mô 922 ha. Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án trục đường kinh tế Bắc Nam ngừng triển khai, Nam Cường buộc phải trả lại cho Hà Nội 2 dự án trên.

 Dự án Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường.

Ngoài ra, nhiều dự án tại các khu đất Nam Cường được cấp đối ứng cũng trở thành những bãi đất hoang rộng hàng chục ha. Điển hình, dự án Khu đô thị Phùng Khoang xây dựng thành khu đô thị với các chức năng chính như Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, biệt thự và căn hộ cao cấp, dự kiến hoàn thành vào năm 2010 nhưng hiện khu đất này đang để hoang, cỏ dại mọc um tùm.  

Một dự án rất đáng chú ý chính là Dự án 5,1km đường trong trục phát triển phía bắc của quận Hà Đông. Điểm đầu tuyến đường thuộc phường Vạn Phúc, điểm cuối thuộc phường Yên Nghĩa. Dự án có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, Nam Cường được cấp đối ứng tới 200ha đất ở Dương Nội. Đây được coi là khu vực "đất vàng" bởi sau khi tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông được hoàn thành, giá đất ở đây lên đến 30-40 triệu đồng/m2, trong khi tại thời điểm bàn giao quỹ đất, giá đất được áp vào khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra có 1 khoảng chênh lệch lên tới 200 tỷ đồng giữa giá trị hợp đồng BT và giá trị đối trừ tiền sử dụng đất…

Điều đáng nói, hơn 10 năm qua, dự án BT khu đô thị Dương Nội bị "đắp chiếu". Cho đến thời điểm hiện tại, Nam Cường gần như chỉ thực hiện những dự án dang dở tại khu đô thị này. Chưa dừng lại ở đó, cách đây ít lâu, báo chí từng phản ánh về hiện tượng “bán nhà 2 giá”, chênh lệch hàng tỷ đồng tại dự án Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường, khiến khách hàng mất niềm tin vào dự án này.

Thời điểm đó, theo phản ánh từ báo chí, tại tầng 1 toà nhà Nam Cường đặt văn phòng bán hàng dự án khu đô thị Dương Nội với những sản phẩm biệt thự cao cấp có diện tích từ 164m2 đến hơn 300m2, giá bán từ 11,6 tỉ đồng/căn trở lên. Chủ đầu tư chia tiến độ đóng tiền thành 7 đợt, mỗi đợt từ 5-15% đến 25%. Nhân viên bán hàng tại đây cho biết, biệt thự của Nam Cường có diện tích 180m2 đang được bán với giá khoảng 13 -14 tỉ đồng, trong đó bao gồm cả tiền xây thô 1,6-1,7 tỉ đồng. Đây là giá bán chính thức của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, khi khách hàng làm thủ tục mua bán thì số tiền ghi trong hợp đồng chỉ còn 8 tỉ đồng. Số tiền còn lại là 5 tỉ đồng sẽ được thanh toán trực tiếp cho chủ đầu tư và không có hóa đơn chứng từ.

Theo giải thích của nhân viên sàn giao dịch bất động sản Nam Cường, đây là cách “lách luật” để giảm bớt thuế cho khách hàng. Nhân viên này còn trấn an: “Dự án này đã nộp tiền sử dụng đất từ năm 2009 do vậy chủ đầu tư không muốn dính dáng đến thuế vì hiện giờ thuế đã tăng lên rất nhiều so với thời điểm trước. Lâu nay, Nam Cường vẫn thực hiện việc bán hàng và thanh toán theo kiểu này…”.

Thông tin trên khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng với cách làm ăn của một tập đoàn bất động sản nổi tiếng như Nam Cường. Nhiều người cho rằng, với cách lách luật như vậy doanh nghiệp không chỉ đút túi bất minh số tiền rất lớn mà có nguy cơ gây thất thoát tiền thuế, ngân sách của nhà nước. Với doanh nghiệp, thu tiền “chênh” ngoài hợp đồng mua bán nhiều tỷ đồng/căn hộ khiến nhà nước có nguy cơ thất thu ngân sách, sẽ phản ánh không trung thực số thuế VAT cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách. Nếu làm rõ, đây chính là hành vi gian lận nhằm trốn thuế. Hành vi này sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí bị xử lý hình sự.

Cũng liên quan đến khi đô thị Dương Nội, trước đó, Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) thông tin, tại đây mọc lên toà biệt thự nguy nga rộng đến 5.000m2, được xây dựng ở vị trí đắc địa, nằm gần ngã tư đường Trường Phúc (Khu đô thị mới Dương Nội). Tòa biệt thự trên bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2014 nhưng đến năm 2017 Tập đoàn Nam Cường mới làm thủ tục chuyển đổi quy hoạch khu đất.

Theo đó, Tập đoàn Nam Cường xin điều chỉnh số lô đất từ 2 lô xuống 1 lô và giảm một số hạng mục như diện tích xây dựng (2.925m2 xuống 1.170m2), mật độ xây dựng (60% xuống 24%)… Theo nhiều nguồn tin, biệt thự này là nơi sinh sống của bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường.

Toà biệt thự nguy nga rộng đến 5.000m2 trong khu đô thị Dương Nội được cho là nơi sinh sống của bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường. 

Bên cạnh đó, KĐT Dương Nội còn bị đặt trong diện nghi vấn tự ý thay đổi điều chỉnh quy hoạch, xây thêm hơn 500 căn hộ so với giấy phép phê duyệt. Cụ thể, báo chí phản ánh, vào năm 2007, cơ quan chức năng có quyết định phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 KĐT Dương Nội với tổng số biệt thự là 2.716 căn, số hộ liền kề là 592 căn (mỗi căn diện tích khoảng 213m2), chưa kể phần dịch vụ thương mại và chung cư cao tầng. Đến năm 2008, cơ quan chức năng có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết KĐT Dương Nội, tổng số biệt thự còn 2.253 căn, tổng số liền kề là 544 căn.

Đến năm 2012, Tập đoàn Nam Cường đã xin ý kiến Bộ Xây dựng về thiết kế cơ sở dự án với nội dung thể hiện diện tích đất ở thấp tầng vẫn giữ nguyên, số hộ ở vẫn giữ nguyên, tuy nhiên số lượng căn hộ đã tăng hơn 500 căn so với điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.

Để làm rõ những thông tin trên, PV Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) đã liên hệ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông. Về vấn đề căn biệt thự rộng 5.000 m2 được cho là của nữ Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường, một lãnh đạo Thanh tra Xây dựng quận cho biết, vì căn biệt thự này xây dựng từ năm 2014 mà hầu hết lãnh đạo của Thanh tra Xây dựng quận về công tác từ năm 2017, 2018 nên chưa nắm được thông tin.

Còn về vấn đề hơn 500 căn hộ trong diện ghi vấn xây dựng trái phép, Thanh tra Xây dựng quận cũng không nắm được. Thanh tra xây dựng quận Hà Đông cung cấp cho PV bản Báo cáo số 5220/BC-SXD của Sở Xây dựng Hà Nội về “Đề xuất xử lý số liệu chưa khớp trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và Bản vẽ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Dương Nội, quận Hà Đông” ngày 18/7/2013. 

Trong bản báo cáo cáo này nêu rõ: Tổng số lượng căn hộ trong bản vẽ chia lô chênh lớn hơn so với tổng số căn hộ trong quyết định phê duyệt quy hoạch là 511 căn hộ, trong đó nhà biệt thự 463 hộ, nhà liền kề 48 hộ.

Về phần Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường Lê Thị Thúy Ngà, trước đây, bà Ngà thường đứng sau "cái bóng" của chồng - ông Trần Văn Cường. Năm 2010, ông Cường qua đời, sau đó bà Lê Thị Thúy Ngà tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn. Nữ doanh nhân nắm trong tay tất cả tài sản, quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch cũ và cùng các con tiếp tục đưa Nam Cường phát triển đến ngày nay.

Là nữ doanh nhân “khét tiếng” trong giới kinh doanh, bất động sản nhưng những thông tin về bà Ngà rất ít ỏi. Cố doanh nhân Trần Văn Cường và Chủ tịch đương nhiệm Lê Thị Thúy Ngà có một con gái tên Trần Thị Quỳnh Ngọc được kỳ vọng là người kế thừa sản nghiệp do cha mẹ mình gây dựng.

Minh Quân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang