Tập trung nâng cao chất lượng ngành tôm Việt Nam

author 15:11 10/09/2020

(VietQ.vn) - Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này tháng 7 và 8 có dấu hiệu tăng nhẹ so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 7/2020 đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7/2019. Nửa đầu tháng 8 năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sang EU đạt 29,4 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu tôm sang EU tháng 8 năm nay có thể tăng khoảng 20% so với tháng 8/2019.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU về 0%: Tôm mã HS 03061100 (mức hiện tại 12,5%); Tôm mã HS 03061710 (mức hiện tại 20%); Tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 từ mức 12% hiện tại.

Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tôm mã HS 03061794 sẽ giảm về 0% từ 18%. Sau 7 năm: tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) và tôm mã HS 16052190 (tôm khác) sẽ được điều chỉnh từ mức 20% về 0%.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa.

Giới chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.

Những năm gần đây người tiêu dùng châu Âu ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Khi dịch Covid xảy ra, xu hướng này lại càng rõ nét. Người châu Âu ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.

Hiện nay, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu ASC nhưng hiện diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam mới đạt khoảng 6%/tổng diện tích nuôi. Nguyên nhân là do tôm nuôi của Việt Nam đa phần nhỏ lẻ, các hộ nuôi không kham nổi chi phí chứng nhận, chỉ có trang trại nuôi lớn mới đáp ứng được. Do đó, để đón đầu được ưu đãi mà EVFTA mang lại, Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên nhằm đẩy mạnh diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn này.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thuỷ sản Sao Ta cho biết, hiện nay có khoảng 50 doanh nghiệp tôm hoạt động. Mỗi doanh nghiệp có thể có nhiều cơ sở chế biến. Quy trình chế biến cơ sở nào cũng có, cái còn lại là kỹ thuật riêng của từng doanh nghiệp, cơ sở. Trước tiên phải quan tâm chọn lọc nguyên liệu đạt chuẩn, đừng vì ham rẻ sẽ ảnh hưởng lâu dài. Nếu tất cả cơ sở chế biến đều ý thức, tôm nguyên liệu xấu sẽ không tồn tại. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu của mình. Qua đó nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng sâu rộng hơn…

Bị tố quảng cáo kiểu 'gây hại' cho ngành tôm, Dược phẩm Nhất Nhất gỡ bỏ clip, VTV lặng thing(VietQ.vn) - Sau khi bị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tố quảng cáo thuốc Tonka sử dụng hình ảnh gây hại cho ngành tôm, Dược phẩm Nhất Nhất đã tháo gỡ tất cả các clip quảng cáo. Còn về phía VTV, đơn vị này vẫn lặng thing.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang