Tạt axit người khác: Tội ác tàn độc mà không phải giết người

author 10:50 31/03/2016

Tạt axit vào người khác là hết sức độc ác và dã man. Tuy nhiên, mức phạt cho hành vi tạt axit dường như còn quá nhẹ tay nên chưa có sức răn đe xã hội.

Nạn nhân của một vụ tạt axit

Trên đường đi học về hai nữ sinh trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật miền Nam (TP.HCM) bị hai thanh niên lạ mặt từ phía sau chạy tới tạt axit vào người. Hậu quả là một nạn nhân bị bỏng gần hết khuôn mặt, mắt trái không phục hồi. Một tội ác kinh khủng khiến nạn nhân suốt đời phải mang theo nỗi đau đớn trên khuôn mặt. 

Trước đó, vì mâu thuẫn tình cảm nên một nữ sinh đang đi cùng bạn tại quận 9 cũng bị chính người yêu cũ tạt axit vào mặt.
Tạt axit được coi hành động hết sức dã man và độc ác vì để lại những di chứng vô cùng đau đớn cho nạn nhân, thậm chí khiến nạn nhân sống dở chết dở. Thế nhưng, khung hình phạt cho tội danh này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Không truy được tội giết người
Luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) cho biết thông thường khi tạt axit vào người khác thì bị xử lý về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”.
LS Thư giải thích, điều 104 BLHS tùy theo mục tiêu và tỉ lệ thương tật của nạn nhân mà người tạt axit có thể bị phạt tù 3 năm – 20 năm hoặc tù chung thân.
“Hiếm lắm mới xử tội “giết người” theo điều 93 BLHS. Chỉ trong trường hợp toà án nhận thấy động cơ mục đích của bị cáo là giết người hoặc hàm lượng axit đậm đặc và tạt vào vùng hiểm yếu của con người như đầu, ngực…”, LS Thư nhấn mạnh.

 

Nạn nhân của các vụ tạt axit sẽ phải chịu đau đớn suốt đời

LS Võ Công Hạnh (Công ty luật Công Khánh, Đoàn LS tỉnh Thừa Thiên Huế) thì nêu ý kiến hình phạt của tội danh Cố ý gây thương tích với hành vi tạt axít chưa đủ sức răn đe và chưa tương xứng với hậu quả của hành vi độc ác này gây ra.
LS Hạnh nói: “Hành vi tạt axít vào người khác là hết sức độc ác và dã man, vừa hủy hoại cơ thể, nhan sắc, hạnh phúc, khả năng lao động vừa để lại những di chứng, đau đớn, mặc cảm suốt đời cho nạn nhân”. 

"BLHS năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1.7.2016 ghi nhận nguyên tắc xử lý nghiêm hành vi dùng axít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dù tỷ lệ thương tật dưới 11% với mức hình phạt đến 3 năm tù. Trong trường hợp gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì mức hình phạt có thể tù chung thân".

Luật sư Võ Công Hạnh

Nên tạo luật mới với tội danh “tạt axit”
LS Huỳnh Công Thư cho rằng xử lý hành vi tạt axit tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác” là chưa thoả đáng, chưa tương xứng với hành vi phạm tội và hậu quả để lại cho nạn nhân.
Nhưng nếu nhất định phải xử lý hành vi này là tội “giết người” cũng chưa hợp lý, vì tội giết người phải chứng minh mục đích của kẻ phạm tội là tước đoạt sinh mạng của bị hại, hoặc hành vi khách quan chứa đựng khả năng nguy hiểm có thể chết người như tạt vào vị trí hiểm, dung loại axit có nồng độ đậm đặc…
LS Thư nêu quan điểm: “Nên tách ra thành một điều luật mới với tên tội danh hoàn toàn mới là tội “Tạt axit” với mức khởi điểm của khung hình phát nghiêm khắc hơn tội “Cố ý gây thương tích” và có mức hình phạt cao nhất là tử hình mới đảm bảo răn đe ngăn người hành vi phạm tội mới”.
Nên siết chặt quản lý việc mua bán axit
LS Phạm Hoài Nam (Hãng luật Bến Nghé Sài Gòn) nguyên nhân của những câu chuyện thương tâm như thế này một phần xuất phát từ việc mua axit dễ như mua rau ngoài chợ.

Theo LS Nam, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý các điểm mua bán chất axit, phải có giấy phép và khi bán cho người mua thì phải lưu lại thông tin và mục đích sử dụng. Các điểm bán axit cũng phải có camera lưu hình ảnh mua bán.

Theo Thanh niên


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang