Tất tần tật các mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết

author 15:00 26/01/2017

(VietQ.vn) - Ngày Tết gia đình nào cũng trữ nhiều thức ăn trong nhà, để tránh không bị hỏng hãy tham khảo các mẹo bảo quản thực phẩm dưới đây nhé.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng sau khi nấu chín, đem rửa bằng nước sạch rồi để ráo, xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để bánh ra hết nước, chắc mịn và phẳng. Để bánh nơi thoáng gió hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Tất tần tật các mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết
 Để bánh nơi thoáng gió hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Bánh ăn dở khi để tủ lạnh nên giữ nguyên lá gói, phần mặt cắt lấy màng bọc thực phẩm bao kín. Bánh tét khi nấu xong còn nóng thì nên treo nơi thoáng mát cho nguội dần, có thể treo bên ngoài khoảng hai-ba ngày, nếu dùng lâu hơn, nên để tủ lạnh.

Nếu sau vài ngày bánh bị lại gạo, nên luộc hoặc hấp cho bánh mềm trở lại rồi dùng. Trường hợp bánh bị mốc, chỉ cần hơ trên bếp gas hoặc luộc lại là vẫn sử dụng được.

Giò chả

Giò chả cắt ra ăn nếu chưa dùng hết, lấy màng bọc thực phẩm bọc kín mặt cắt để chả không bị thâm đen và khô, cho vào bao ni lông buộc kín, cất vào tủ lạnh. Bảo quản giò chả ở ngăn mát tủ lạnh thông thường thì có thể trữ được khoảng 10 ngày.

Tất tần tật các mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết
Bảo quản giò chả ở ngăn mát tủ lạnh thông thường thì có thể trữ được khoảng 10 ngày. 

Đối với các loại giò thủ hoặc giò xào, ăn lạnh sẽ ngon hơn. Khi cắt ra nên ăn ngay, phần còn lại cất ngay vào tủ lạnh. Riêng các loại giò chả khác, cần lấy ra khỏi tủ lạnh khoảng một giờ trước khi ăn để chả không quá lạnh.

Thịt, cá

Thịt, cá sau khi mua về, các bạn nên làm sạch trước khi cho vào tủ lạnh để bảo quản. Chúng ta có thể để ở ngăn mát hoặc nếu muốn để lâu hơn, bạn có thể cho vào ngăn đá. Trước khi cho vào, chúng mình hãy chia thành những phần nhỏ và bọc kín bằng túi nilon sạch để thịt, cá có thể giữ được mùi vị, đồng thời không làm ảnh hưởng đến các thực phẩm khác.

Tất tần tật các mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết
Thịt, cá nên cho vào ngăn đá tủ lạnh 

Trước khi chế biến, chúng ta cần lấy thực phẩm ra ngoài để rã đông. Thịt, cá sau khi đã rã đông không nên làm đông trở lại vì như vậy sẽ khiến thực phẩm bị mất chất và không còn mùi vị như ban đầu. Do đó, các bạn chỉ nên lấy đủ số thịt, cá dùng trong một bữa để chế biến. Thịt, cá được bảo quản với cách này có thể giữ và dùng trong vòng 1 – 4 ngày, không nên để quá lâu vì như vậy có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi ăn.

Cách bảo quản món ăn ngày Tết tươi ngon hợp vệ sinh(VietQ.vn) - Tết nhà nào cũng dự trữ trong bếp rất nhiều thực phẩm, dưới đây là những cách bảo quản món ăn ngày tết tươi ngon hợp vệ sinh.

Rau, củ, quả

Khi mua các loại rau, củ, quả, chúng ta nên chọn những sản phẩm còn tươi, có màu sắc tự nhiên, không dập nát, héo úa hay có mùi lạ... Trái cây cần rửa sạch sẽ, lau khô rồi cho vào bao ni lông buộc chặt, để ở ngăn mát tủ lạnh.

Tất tần tật các mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết
Riêng các loại rau chịu lạnh như bắp cải, súp lơ, cà rốt, cần tây… thì chỉ cần để trong bao ni lông rồi đặt trong tủ lạnh là được. 

Rau nhặt bỏ lá sâu hoặc úa giập, cắt bỏ phần rễ, gói trong giấy báo rồi cho vào bao ni lông cột kín để ở ngăn rau củ của tủ lạnh. Đối với các loại rau, củ, quả như bắp cải, cải thảo, cà chua, cà rốt, khoai tây… sau khi mua về, các bạn có thể để ở nơi thoáng mát là có thể bảo quản chứ không nhất thiết phải cho vào tủ lạnh. Đối với cách này, các bạn không cần phải rửa trước mà chỉ khi nào chế biến mới cần rửa.

Các loại mứt

Mứt chứa nhiều đường nên dễ bị chảy nước, vì vậy cần cất trữ nơi kín không khí như trong túi ni lông, khi mở lấy ra đãi khách xong nhớ buộc chặt lại. Cách bảo quản lâu và an toàn hơn là cho vào lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa, rải một lớp đường lên trên mặt để hút ẩm, mứt sẽ giữ được mùi vị thơm ngon.

Tất tần tật các mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết
 Mứt chứa nhiều đường nên dễ bị chảy nước, vì vậy cần cất trữ nơi kín không khí như trong túi ni lông.

Với những loại mứt dẻo, nên sên lại, chờ nguội rồi mới cho vào lọ sẽ để được lâu hơn. Không cất mứt vào tủ lạnh vì mứt sẽ hồi ẩm khi đem ra, khiến nấm mốc phát triển.

Dưa hành, củ kiệu

Khi cắt gốc, nhớ không cắt vào phần củ. Sau khi rửa để củ thật ráo nước, nếu không sẽ dễ bị hỏng. Đun sôi thật kỹ nước ngâm.

Lượng muối vừa đủ, không quá nhạt thì sẽ để được lâu và không nổi váng trên bề mặt. Có thể mang cả vại dưa hành ra phơi nắng, dưa sẽ giòn và bảo quản được lâu hơn.

Thực phẩm đã nấu chín

Các loại thực phẩm sau khi đã nấu chín, nếu muốn bảo quản phải để nguội rồi mới cho vào tủ lạnh. Nguyên nhân là do nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước, gây hại đến các thực phẩm khác và tác động không tốt cho sức khỏe khi ăn.

Các bạn nên cho vào hộp kín và đậy nắp lại để tránh bị ảnh hưởng từ các thực phẩm sống.

Nguyễn Thảo (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang