"Tất tần tật" thông tin áo ngực Trung Quốc chứa "thuốc lạ"

author 08:57 30/10/2012

(VietQ.vn) - Khảo sát của nhóm PV cho thấy, hiện áo ngực có nguồn gốc từ Trung Quốc bày bán tràn lan ở tất cả các tỉnh thành. Nhiều địa phương ghi nhận sự xuất hiện của áo ngực chứa 'thuốc lạ' bên trong. Nhà chức trách chưa có động thái gì tiếp theo ngoài việc đi kiểm tra xác minh thông tin.

Hà Nội: Người tiêu dùng thấy rẻ là mua

Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) những sạp bán đồ lót giá rẻ được bày bán tràn lan với hàng chục mẫu mã, kiểu dáng và màu sắc, kích cỡ. Giá của các sản phẩm này dao động từ 7 - 10 nghìn đồng/chiếc.
 
Chị Hương, chủ một sạp hàng đồ lót, cho biết, hàng chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Khách mua đủ các thành phần từ sinh viên, công chức, người lao động. Do giá thành rẻ nên được ưa chuộng.
 
Cạnh đó, chị Mai với hai đống đồ lót đổ trên tấm bạt ngay cạnh vỉa hè luôn  "toe toe" cái miệng: “Đồ lót giá rẻ chất lượng cao, mềm mịn, 20.000 đồng 3 chiếc, mặc “bét nhè”!
Áo ngực ghi nhãn mác từ Trung Quốc
Áo ngực ghi nhãn mác từ Trung Quốc
 
Cầm trên tay chiếc quần ren đẹp mắt, Hải Anh (sinh viên) cho biết, chiếc quần này có 12.000 đồng song chỉ mặc được vài tháng là bỏ đi. "Hàng này phải giặt tay, vò nhẹ chứ không rất mau giãn”, Hải Anh cho biết.
 
Theo quan sát của chúng tôi, các sản phầm đồ lót được bày bán ở đây ngoài chữ “made in China” được ghi ở nhãn thì không ghi thêm bất cứ thông tin nào khác.
 
“Đồ lót của Trung Quốc chủ yếu là vải thun, polyester, chứ thành phần cotton rất ít. Giá rẻ thì tiền nào của nấy thôi, sinh viên chỉ đủ tiền mua thế này, ăn uống còn phải tiết kiệm thì làm sao dám mua hàng xịn”, Hải Anh nói.
 
Với giá thành rẻ, chống nấm mốc, giữ màu và chống nhăn tốt, chất formaldehyde đang được nhiều nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng quá hàm lượng cho phép để tăng tính cạnh tranh về giá cả và mẫu mã sản phẩm dệt may của mình.
 
Năm 2010, người tiêu dùng Việt Nam đã hết sức lo ngại khi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm đã có 6 lô vải nhập khẩu bị nhiễm formaldehyde và amin thơm vượt mức cho phép, phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều này cho thấy việc hàng dệt may Trung Quốc nhiễm formaldehyde không phải là câu chuyện quá xa lạ.
 
Với giá rẻ, đẹp, mẫu mã thì giống hàng hiệu, người tiêu dùng có thể bắt gặp dễ dàng từ các khu chợ, những quầy hàng ngoài lề đường đủ các loại quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng dường như chả mấy ai quan tâm đến chất lượng các sản phẩm này.
 
Thông tin về chất formaldehyde nguy hiểm và có thể gây ung thư trong sản phẩm dệt may Trung Quốc cũng đã được cảnh báo, nhưng  cả người mua lẫn chủ hàng vẫn không hề để ý.

Quảng Nam - Huế - Đà Nẵng bày bán tràn lan áo ngực không rõ nguồn gốc

Sáng 29/10, lực lượng Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế (QLTT) đã bất ngờ kiểm tra các quầy hàng bán áo ngực trên địa bàn thành phố Huế. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện, thu giữ hàng chục áo ngực bên trong có chứa gói dung dịch và những viên thuốc lạ.
 
Tại quầy hàng của bà Nguyễn Thị Mỹ Xuyên, lô 153, chợ Bến Ngự, Đội quản lý thị trường số 2 (Chi Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên – Huế) phát hiện 23 áo ngực Trung Quốc nhãn hiệu Anjing Ting bên trong có chứa "chất lạ". Trước sự chứng kiến của hàng chục chị em tiểu thương, các kiểm soát viên của Đội QLTT số 2 dùng kéo rạch một chiếc áo và phát hiện bên trong chứa 2 gói dung dịch và 6 “viên thuốc” màu trắng. Dung dịch này chảy ra dính vào tay gây ngứa ngáy, rất khó chịu.
Người tiêu dùng thực sự hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của mình về 'thuốc lạ' bên trong áo ngực
Người tiêu dùng thực sự hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của mình về 'thuốc lạ' bên trong áo ngực
 
Bà Nguyễn Thị Mỹ Xuyên cho biết: “Số hàng trên chúng tôi mua từ một cơ sở tại Đà Nẵng rồi đem bán ra chợ Bến Ngự để tiêu thụ. Bình quân mỗi áo ngực bán ra có giá từ 50 - 60 nghìn đồng. Ngoài lô hàng đó tại Huế còn xuất hiện thêm loại áo ngực có giá 35 nghìn đồng/cái của nhãn hàng Huang Jia Ma Lian. Nhưng loại này chúng tôi không mua vì mùi rất khó chịu và mẫu mã không đẹp lắm”.
 
Đội Quản lý thị trường số 2 đã tạm thời lập biên bản thu giữ toàn bộ 23 áo ngực nói trên với vi phạm: Bán hàng không có nhãn phụ bằng chữ Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
 
Ông Kỳ Hữu Đông, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin trên báo mạng, Chi Cục QLTT tỉnh đã triển khai ngay các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra áo ngực như báo chí phản ánh. "Ngay trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ cho anh em kiểm tra toàn bộ các quầy hàng, các Shop bán áo ngực tại các chợ đầu mối, và các điểm bán lẻ. Sau khi phát hiện sẽ xử lý các shop bày bán các chiếc áo dây nịt ngực không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, đặc biệt có chứa các chất, dung dịch có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là lần đầu, Chi cục QLTT tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hiện sự việc này”.
 
Tại Quảng Nam, sáng ngày 29/10, Đội quản lý thị trường số 1 của Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam kiểm tra tất cả các shop, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn TP.Tam Kỳ nơi đang bán áo quần phụ nữ. Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, các chủ quầy áo quần đã lánh mặt, đồng thời thu gom áo ngực không rõ nguồn gốc của Trung Quốc cất giấu chỗ khác.
 
Theo quan sát tại shop áo quần H. ở chợ mới Tam Kỳ nằm ở đường Hùng Vương, phường An Sơn, TP.Tam Kỳ, các loại áo ngực Trung Quốc, kể cả quần chíp đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, không dán nhãn phụ bằng chữ Việt Nam. Bà Hương chủ shop này nói: “Tôi mua những mặt hàng giá rẻ này ở chợ trời và chợ Cồn – Đà Nẵng về bán, không có hóa đơn chứng từ gì hết”.
 
Không riêng gì shop của bà Hương, mà hầu hết các shop áo quần có bán áo ngực Trung Quốc ở chợ Tam Kỳ, Trung tâm Thương mại Tam Kỳ, các shop áo quần ven đường... có bán áo dây ngực không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, Đội kiểm tra chỉ quan sát mà không tiến hành lập biên bản đối với các shop kinh doanh mặt hàng trên.
 
Trả lời câu hỏi của báo chí, tại sao không lập biên bản đối với các chủ shop bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, không có dán nhãn phụ bằng chữ Việt Nam, nghi là hàng lậu này? Ông Thái Trọng Bành, kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 1 cho rằng: “Chuyến đi kiểm tra lần này, Đội tập trung truy tìm, kiểm tra và thu giữ những mặt hàng áo dây ngực nào nghi có chứa chất gây hại và “thuốc lạ”. Còn chuyện những mặt hàng áo dây ngực không rõ nguồn gốc xuất xứ, Đội sẽ lập biên bản trong những lần kiểm tra sau”. Song, trong sáng nay, đoàn kiểm tra chưa phát hiện thu giữ them áo ngực có chứa “thuốc lạ”.
 
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đặng Xuân Thanh, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam, khẳng định: “Trong đợt tổng kiểm tra mặt hàng áo ngực của phụ nữ có chứa dung dịch và “thuốc lạ” lần này ra, nếu phát hiện mặt hàng nào không rõ nguồn gốc, chứng từ thì các Đội phải lập biên bản, tịch thu ngay hàng để xử lý, chứ không có chuyện làm lơ được”.

TP.HCM: Chưa tìm ra áo ngực chứa "thuốc lạ"
 
Sáng 29/10, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc lưu ý kiểm soát mặt hàng đồ lót và chưa ghi nhận trường hợp nào áo ngực TQ có chứa “thuốc lạ”.
Lập biên bản xử lí cửa hàng bán áo ngực không rõ nguồn gốc, giấy tờ chứng minh
Lập biên bản xử lí cửa hàng bán áo ngực không rõ nguồn gốc, giấy tờ chứng minh
 
Khảo sát thị trường nội y bình dân tại TP.HCM cũng ghi nhận hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn tiếng Việt bày bán tràn lan. Khi chúng tôi thắc mắc, người bán nói: “Quan trọng là mẫu mã, chất liệu, giá cả hợp lý chứ mác nào chả được!”.
 
Chị Duyên, người có thâm niên 19 năm kinh doanh trong ngành đồ lót tại Sài Gòn nói rằng chưa từng gặp sản phẩm có độn thuốc như báo chí đăng tải. Theo chị Duyên, có thể hàng nhập lậu từ các cửa khẩu phía Bắc, vận chuyển bằng đường bộ vào thị trường các tỉnh miền Trung chứ chưa vào tới TP.HCM hoặc hàng chỉ được bán ở chợ cóc nên chị chưa nắm được.
 
Tuy nhiên, chị Duyên khẳng định, khi người tiêu dùng mua các loại áo ngực với giá rẻ thì phải chấp nhận chất lượng bèo. Tiền công may một chiếc áo ngực có gọng, độn đã khoảng 20.000 đồng/chiếc thì nguyên liệu phải dỏm như thế nào mới có giá bán lẻ chỉ 30.000 đồng-50.000 đồng/chiếc. Mấy hôm nay khách hàng vào shop chị xem hàng rất kỹ, dù ưng mẫu, giá cả nhưng khi thấy hàng “made in China” đều không muốn mua vì lo ngại không an toàn.
 
Theo ghi nhận, từ khi xuất hiện thông tin về áo ngực chứa "chất lạ", nhiều chị em phụ nữ lo lắng nên đã kiểm tra toàn bộ áo ngực mà mình đang mặc từ trước đến nay. Thậm chí có người còn “mổ” những chiếc áo thấy khả nghi để kiểm tra.
 
Mai Anh Tuân - Nguyễn Tiến (tổng hợp)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang