Tìm hiểu thiết kế mô hình tàu điện ngầm đầu tiên của TP.HCM

author 14:39 27/02/2015

(VietQ.vn) - Mô hình tàu điện ngầm TP.HCM metro đã được đưa từ Nhật Bản về Việt Nam nghiên cứu, bên cạnh đó, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng tổ chức lấy ý kiến của người dân vào đầu tháng 3 tới.

Báo VnExpress đưa tin, tuyến metro số 1 chạy từ trung tâm khu vực thương mại của thành phố đi qua sông Sài Gòn, qua quận 2 và khu vực phía đông. Với hệ thống tàu điện ngầm TP.HCM này, các hoạt động đi lại thường ngày giữa khu vực đô thị và ngoại ô sẽ tăng lên đáng kể. Vì vậy, đơn vị thực hiện gói thầu "mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng" của dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên mong muốn thiết kế đầu máy toa xe của tuyến metro này sẽ trở thành một nét đặc trưng cho việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía đông TP HCM.

Hitachi là đơn vị thực hiện gói thầu số 3 “mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng” của tuyến metro số 1 Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9).

Phần đầu máy được bo tròn về phía dưới làm nổi bật hình dáng 3D. Đường cong lớn hơn được thêm vào phần đèn. Thiết kế này tạo ra một cái nhìn sắc nét về tính hài hòa và năng động của đoàn tàu.

Phần đầu mày Tàu điên ngầm TP.HCM có thiết kế bo tròn

Phần đầu mày Tàu điên ngầm TP.HCM có thiết kế bo tròn. Ảnh VOV

Màu xanh da trời được lựa chọn để thể hiện vẻ ngoài tươi trẻ, mạnh mẽ và dễ chịu trong điều kiện môi trường của VN. Số 01 lớn không chỉ thông báo cho hành khách về số tuyến của đoàn tàu mà còn tạo một ấn tượng vững chắc. Thiết kế này được cho là đã thể hiện thành công hình ảnh tiên tiến của đoàn tàu metro đầu tiên tại Việt Nam.

Đoàn tàu metro chạy bằng động cơ điện xoay chiều, ba pha 380V, sử dụng cần lấy điện trên nóc toa tàu để lấy điện từ nguồn điện áp 1.500V DC. Trong đó, hai toa có gắn động cơ. Hệ thống vận hành của tàu được nối với điện lưới quốc gia. Trong trường hợp có sự cố, máy phát điện đủ cung cấp năng lượng cho tàu vận hành trong vòng 3 giờ để tàu về ga an toàn.

Tàu metro có vận tốc 110 km/giờ ở đoạn trên cao, 80 km/giờ ở đoạn ngầm. Số lượng đoàn tàu là 17 đoàn.

Vỏ tàu làm bằng nhôm và thép không gỉ, bên trong có hệ thống máy lạnh. Tàu có cửa sổ lớn, vách ngăn chia rõ khu vực khách đứng và ngồi.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, trong giai đoạn 1, đoàn tàu có ba toa xe với tổng chiều dài 61,5m gồm 1 toa Mc (toa có động cơ và cabin), 1 toa T (toa kéo không có động cơ và cabin) và 1 toa Mc. Trong đó toa Mc dài 20,25m, toa T dài 19,5 m, rộng 2,95m, cao 4,08m (tính từ đỉnh ray đến mui thiết bị điều hòa không khí).

Đoàn tàu có khả năng chuyên chở 930 hành khách, với mật độ hành khách đứng: 8 hành khách/m². Toa Mc: 304 hành khách (48 hành khách ngồi và 256 hành khách đứng), toa T: 322 hành khách (51 hành khách ngồi và 271 hành khách đứng).

Nội thất bên trong tàu điện ngầm TP.HCM được thiết kế hiện đại, tiện dụng cho hành khách

Nội thất bên trong tàu điện ngầm TP.HCM được thiết kế hiện đại, tiện dụng cho hành khách. Ảnh VnExpress 

Tàu được vận hành dưới dạng tự động, công nghệ của Nhật, thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Trên tàu không có nhân viên phục vụ. Phí lên tàu được thu ngay từ cửa kiểm soát của nhà ga. Cửa lên xuống của hành khách được thiết kế với mỗi bên thành toa xe có bốn bộ cửa và có cửa lên cabin. Tài xế trên tàu có thể quan sát hành khách và các hoạt động khác bằng hệ thống camera để xử lý kịp thời các tình huống xấu.

Cửa thông qua đầu toa xe được thiết kế giữa hai toa xe nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách lưu thông, chiều rộng lối đi là 0,9m. Cabin (buồng lái) được bố trí ở hai đầu của đoàn tàu có chiều rộng bằng chiều rộng toa xe và kín hoàn toàn.

Trang thiết bị trong xe gồm ghế ngồi có khoang trống bên dưới được lắp dọc theo thành xe, được chế tạo bằng nhựa gia cường sợi thủy tinh. Tay vịn và móc nắm được lắp đặt trong toa xe để đảm bảo an toàn cho hành khách. Trên toa tàu có bố trí vị trí và thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật (đi xe lăn).

Theo tính toán, thời gian vận hành của các đoàn tàu cách nhau khoảng 5 phút, giờ cao điểm thì 2 phút 10 giây; thời gian dừng tại ga khoảng 30 giây. Hành khách lên xuống tàu bằng hệ thống tự động, không được ăn uống và hút thuốc.

Dự kiến, đoàn tàu metro đầu tiên sẽ được đưa từ Nhật Bản về Việt Nam vào cuối năm 2016. Sau đó, 16 đoàn tàu khác cũng được đưa về để khai thác tuyến metro số 1 vào năm 2020. Để vận hành và bảo dưỡng cho toàn tuyến metro số 1, khoảng 400 nhân viên, kỹ sư sẽ được đào tạo.

Đinh Ly

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang