Tàu ngầm lớp Kilo của Nga: ‘Hố đen đại dương’ khiến NATO phải kiêng dè

author 11:57 06/03/2016

(VietQ.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà NATO gọi tàu ngầm lớp Kilo của Nga – ‘sức mạnh bí mật’ Moscow dự kiến đưa đến Syria – là những ‘hố đen đại dương’.

Sự kiện: Khám phá đại dương

Theo những tin tức mới nhất trên báo Đất Việt, ngày 5/3 tờ The Observer, thuộc tập đoàn truyền thông Guardian News and Media - cũng là cha đẻ của tờ The Guardian viết rằng, Moscow có khả năng sẽ sử dụng một ‘sức mạnh bí mật’ ở Syria, ném về phía phương Tây sự thách thức mà họ chẳng thể đáp lại. Không ít nguồn tin cho rằng ‘sức mạnh bí mật’ này rất có thể là các tàu ngầm lớp Kilo.

Thông tin Nga sẽ điều biên đội tàu ngầm lớp Kilo đến Địa Trung Hải sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình chiến sự Syria hiện nay

Thông tin Nga sẽ điều biên đội tàu ngầm lớp Kilo đến Địa Trung Hải sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình chiến sự Syria hiện nay

Dự đoán này bắt nguồn từ việc tờ báo dẫn tuyên bố của Đô đốc Alexander Vitko, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen cho biết, thành phần Biên đội tàu của Hạm đội này ở Địa Trung Hải, đang tham gia chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (khủng bố IS) ở Syria sẽ được bổ sung các tàu ngầm hiện đại trang bị tổ hợp tên lửa Kalibr.

Tác giả bài viết của Observer lưu ý rằng, đó không chỉ là các tàu ngầm “thông thường” mà là siêu tàu ngầm. Tàu ngầm lớp Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) là tàu ngầm ít tiếng ồn và khó phát hiện nhất trên thế giới, đó cũng là lý do vì sao những tàu ngầm lớp Kilo của Nga được NATO gọi là ‘hố đen trong đại dương’ (Black Hole). Dưới đây là bài phân tích về sức mạnh tàu ngầm Kilo (tàu ngầm lớp Vashavyanka) mà Nga dự định đưa đến Syria:

Ưu điểm vượt trội

Tiếng ồn từ động cơ của tàu ngầm lớp Kilo của Nga bình thường khó có thể nhận biết, dù con tàu có kích thước to lớn này (dài hơn 70m) vận hành ở độ sâu 2m. Thép không nhiễm từ, chân vịt có thể thu gọn, các bệ đỡ động cơ có đệm, lớp vỏ ngoài cách âm đặc biệt - đảm bảo cho con tàu có khả năng “ngậm tăm” khi di chuyển, khiến kẻ thù khó có thể phát hiện.

Ở chế độ chạy bằng động cơ điện, tàu ngầm Varshavyanka hầu như không phát ra tiếng động và có thể "lẻn" tới rất gần mục tiêu. Thực tế, việc phát hiện tàu ngầm Kilo của Nga rất khó khăn, ngay cả với các thiết bị định vị sóng âm thanh hiện đại nhất. Do môi trường biển bình thường đã có tiếng ồn, việc theo dõi tàu Varshavyanka là rất khó.

Theo nhà máy Admiralty Verfi, nơi đóng các con tàu này, tàu ngầm lớp Varshavyanka có ưu điểm vượt trội so với các tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại nhất. Vấn đề không chỉ ở khả năng tàng hình, sự vượt trội của tàu ngầm còn là khả năng phát hiện mục tiêu từ xa, nhờ tổ hợp dẫn đường quán tính mới nhất tích hợp với hệ thống thông tin - điều khiển tự động hiện đại, cũng như kho tên lửa - ngư lôi ấn tượng, theo nguồn tin từ baotintuc.vn.

Sức mạnh tàu ngầm Kilo đáng sợ đến vậy một phần nhờ tên lửa hành trình Kalibr – vũ khí ‘xương sống’ của hải quân Nga

Sức mạnh tàu ngầm Kilo đáng sợ đến vậy một phần nhờ tên lửa hành trình Kalibr – vũ khí ‘xương sống’ của hải quân Nga

Bắn tên lửa Kalibr từ dưới nước

Vũ khí trang bị cho tàu Varshavyanka gồm 6 ống phóng ngư lôi với tổng cộng 18 quả ngư lôi hoặc 4 tổ hợp tên lửa hành trình nổi tiếng Kalibr (hay Club). Các tên lửa này có thể phóng đi trực tiếp dưới nước. Tốc độ dưới nước của tàu ngầm lớp Kilo là gần 20 hải lý/h, và có thể lặn sâu 300m. Thủy thủ đoàn gồm 52 người, tàu ngầm Kilo có thể vận hành tự động trên biển 6 tháng, với tầm hoạt động 7.500 hải lý (nếu tăng lượng nhiên liệu dự trữ).

Với tên lửa hành trình chống hạm 3M-54 có tầm phóng 660km và 3M-14 có tầm phóng 2500km (thuộc hệ thống tên lửa hành trình Kalibr-PL), sự hiện diện của các tàu ngầm Kilo ở Địa Trung Hải xứng đáng là yếu tố quan trọng trong chiến lược “Chống tiếp cận” của hải quân Nga.

Thép không nhiễm từ

Tàu ngầm lớp Varshavyanka được ra đời đã lâu. Năm 1984, chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp này đã ra biển trong thời gian 10 tháng. Trong suốt thời gian này, Mỹ đã không thể phát hiện con tàu, do đó NATO gọi tàu ngầm lớp Kilo là ‘hố đen đại dương’. Điều này là nhờ hình dáng khí động học của thân tàu, được tạo thành từ một khối kim loại duy nhất. Việc gắn các tấm kim loại với nhau sử dụng phương pháp hàn tự động đặc biệt, mỗi mối hàn được kiểm tra sức bền bằng X - quang và siêu âm.

Việc giảm tiếng ồn cũng được xem xét trong quá trình chế tạo thép làm vỏ tàu ngầm lớp Kilo. Đây là một loại thép đặc biệt, có từ tính thấp, tức là, làm giảm đáng kể từ trường. Thân chính của tàu ngầm Varshavyanka thậm chí không nhiễm từ. Ngoài ra, lớp vỏ bên ngoài được bọc cao su để đảm bảo không bị radar đối phương phát hiện. Trục chính của tàu không xoay trên các vòng bị kim loại mà là moay - ơ gỗ... được chế tạo từ gỗ cây bakaut đặc biệt cứng.

Hạm đội Biển Đen có thể tung bao nhiêu tàu ngầm  lớp Kilo sang Syria?

Hải quân Nga hiện đang có khoảng 20 tàu ngầm Kilo trong biên chế. Ngoài ra, 6 tàu ngầm thế hệ mới nhất, hiện đại nhất thuộc Project 636 cải tiến đã và đang được biên chế cho Hạm đội Biển Đen nhằm nhanh chóng tăng cường sức mạnh cho hạm đội này.

Hiện Hạm đội Biển Đen đã tiếp nhận 3 chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu này là chiếc B-261 Novorossiisk, B-237 Rostov-on-Don và B-262 Stary Oskol. Chiếc thứ 4 mang số hiệu B-265 Krasnodar cũng sắp được biên chế.

Tàu ngầm lớp Kilo của Nga (tàu ngầm Varshavyanka) tấn công mục tiêu khủng bố IS ở Syria

Tàu ngầm lớp Kilo của Nga (tàu ngầm Varshavyanka) tấn công mục tiêu khủng bố IS ở Syria

Theo kế hoạch, 2 tàu ngầm lớp Kilo cuối cùng mang số hiệu B-268 Veliky Novgorod và B-271 Kolpino sẽ gia nhập Hạm đội Biển Đen vào cuối năm nay, tăng cường khả năng tấn công cực kỳ mạnh mẽ để đối phó với sự uy hiếp của chiến hạm Mỹ - NATO trong khu vực Biển Đen và ngoài Địa Trung Hải.

Còn nhớ vào ngày 8/12/2015, Nga đã sử dụng 1 tàu ngầm lớp Kilo tấn công vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố IS ở Syria. Tuy nhiên, đây chỉ là một vụ phóng của 1 tàu đơn lẻ, còn nếu cả biên đội tàu ngầm Kilo của Nga hiện diện ở Địa Trung Hải thì mọi chuyện sẽ khác.

Theo tác giả bài viết đăng tải trên The Observer, sự kết hợp giữa các máy bay ném bom chiến lược, máy bay ném bom chiến thuật và các tiêm kích đa năng có tính năng không chiến rất mạnh như Su-35S, Su-30SM và các phương tiện trinh sát tiên tiến, hiện nay Nga có khả năng kiểm soát toàn bộ không phận Syria.

Hơn nữa, sau khi điều một hạm đội tàu ngầm mạnh (trong đó rất có thể sẽ bao gồm tàu ngầm lớp Kilo) đến Đông Địa Trung Hải, hợp với tuần dương hạm siêu mạnh lớp Slava, cùng nhiều tàu khu trục, tàu hộ vệ khác, Nga đã hoàn thành việc tạo "vòng cung sắt" trải từ Bắc Cực qua Biển Baltic và Crimea đến Địa Trung Hải, ném sự thách thức nghiêm trọng về phía phương Tây và có thể thay đổi đáng kể tình hình chiến sự Syria.

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang