Tàu vỏ thép nằm bờ, nhiều ngư dân trong cảnh nợ nần chồng chất

author 16:15 11/07/2017

(VietQ.vn) - Việc các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hỏng phải nằm bờ đã khiến nhiều ngư dân ở Thanh Hóa trong tình trạng nợ nần.

Thời gian qua, các chủ tàu ở Thanh Hóa đang lâm vào tình cảnh bi đát khi đi liền với sự hư hỏng của các con tàu đóng theo Nghị định 67 là những cục nợ ngày càng to dần. Hầu hết các chủ tàu đều trong tình cảnh “hồn treo cột buồm” khi nhà cửa gia tài đã cầm cố, vay mượn.

Được biết, 23 con tàu vỏ thép ở Thanh Hoá đều có giá tương đương nhau, từ 14,1 đến 17,1 tỉ đồng; duy tàu dịch vụ hậu cần của Công ty Nam Thanh (Quảng Tiến, Sầm Sơn) do Công ty Thịnh Long (Nam Định) đóng là có giá 30,7 tỉ đồng.

Để đóng được các con tàu hiện đại này, vốn chủ yếu từ vay ngân hàng, các chủ tàu chỉ có vốn đối ứng vài trăm triệu. Tiền lãi được Nhà nước hỗ trợ 0,6%, chủ tàu chỉ phải trả 0,1%. Mỗi tháng, chủ tàu phải trả cho ngân hàng cả gốc và lãi hơn 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, với mỗi con tàu vươn khơi, cần có từ 10-12 thuyền viên. Lương mỗi thuyền viên trung bình khoảng 12 triệu và như vậy, mỗi tháng chủ tàu phải chi khoản này từ 100 - 150 triệu đồng, dù tàu hỏng, nằm bờ vẫn phải trả vì hợp đồng ký theo năm. Ngoài ra chưa kể chủ tàu còn phải trả tiền dầu, đá, mua vật tư thay thế hỏng hóc… Tổng một tàu phải chi hằng tháng khoảng hơn 300 triệu đồng.

Tàu vỏ thép nằm bờ, ngư dân Thanh Hóa khốn khổ vì nợ. (Ảnh minh họa) 

Khi con tàu hư hỏng, nằm bờ bao nhiêu ngày thì món nợ mà chủ tàu phải gánh ngày càng to dần lên chừng ấy, trong khi không kiếm được đồng nào từ việc vươn khơi, đánh bắt. Chưa kể, một số tàu chưa hạ thuỷ đã phải trả lãi và gốc cho ngân hàng vì giải ngân chậm.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng NNPTNT Thanh Hoá là 2 đơn vị cung cấp tài chính cho việc đóng tàu. Không chỉ yêu cầu thế chấp bằng chính con tàu, các ngân hàng còn yêu cầu các chủ tàu phải thế chấp cả nhà, đất. Vì vậy, khi cần vốn đầu tư cho một chuyến vươn khơi, các chủ tàu đều rơi vào tình trạng không còn gì để cầm cố, đành đi vay tín dụng ngoài với lãi suất cao.

Với tình trạng “9 chuyến ra khơi 9 chuyến hỏng” như báo chí đã phản ánh, hầu hết các tàu vỏ thép ở Thanh Hoá đều đang trong tình trạng càng chạy càng lỗ. Những ngư dân như ông Lê Văn Còng (Hoằng Trường, Hoằng Hoá) sau 8 chuyến vươn khơi đang lỗ, nợ hơn 300 triệu đồng, ông Lê Văn Lực (Hoằng Trường) sau 9 chuyến ra khơi chuyến nào cũng hỏng hóc hiện đang gánh nợ hơn 500 triệu đồng, chủ yếu tiền vay lãi ngoài.

Hiện tại, các chủ tàu hư hỏng đều mong muốn trong tình trạng tàu nằm bờ, không đi khai thác được ngân hàng có thể dãn nợ để họ tập trung đầu tư đi khơi về có tiền để trả. Các tàu hay hư hỏng cần phải sửa chữa lớn, kể cả thay mới triệt để một số hạng mục đảm bảo vươn khơi dài ngày chứ không phải cứ loay hoay hỏng - sửa rồi lại hỏng như lâu nay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá - đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 rà soát, báo cáo tình hình để có các phương án tháo gỡ hiệu quả cho ngư dân.

Phong Lâm (T/h)

Khánh Hòa: Tăng cường kiểm tra, kiên quyết loại bỏ tàu vỏ thép kém chất lượng(VietQ.vn) - Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở đóng tàu vỏ thép trên địa bàn, kiên quyết loại bỏ các cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang