TCĐLCL góp phần 'nâng cánh' DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công

author 15:01 28/02/2017

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) không chỉ tạo ra giá trị mới cho xã hội, mà còn có khả năng mở rộng và phát triển nhanh chóng, tạo ra giá trị kinh tế lớn đối với bản thân và cả quốc gia.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Tuy nhiên, để phát triển những doanh nghiệp này không phải việc đơn giản, họ cần rất nhiều hỗ trợ từ công nghệ, nhân lực, kiến thức, cơ sở vật chất, kỹ thuật đến vốn,…, tất cả điều kiện đó gộp lại chính là hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Chính vì vậy, để có thể phát triển được các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST rất cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hoàn thiện và bền vững.

Nhân dịp đầu năm mới 2017, TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN đã dành cho Chất lượng Việt Nam cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

 TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN - Bộ KH&CN

Xin ông có thể cho biết nền tảng xây dựng đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam là gì?

TS. Phạm Hồng Quất: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/5/2016 (Đề án 844) được xây dựng dựa trên việc đánh giá thực trạng của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam hiện tại và đưa ra các biện pháp hỗ trợ để phát triển từng thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đồng thời kết nối các thành phần của hệ sinh thái này với nhau để thực sự có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST một cách đầy đủ nhất.

Vậy điểm nổi bật của Đề án này là gì và xin ông có thể cho biết rõ hơn vai trò của Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Sở hữu trí tuệ trong hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp?

TS. Phạm Hồng Quất: Đó chính là Đề án hầu hết không hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST mà thông qua các tổ chức trung gian là những cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp,… đã có kinh nghiệm để có thể lựa chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST một cách tốt nhất. Đề án cũng đi sâu vào việc nâng cao chất lượng của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy các kết nối giữa các thành phần của hệ sinh thái hơn là việc hỗ trợ từng doanh nghiệp một, như vậy hiệu quả của các hỗ trợ sẽ có tính bền vững hơn.

Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Tính chất của các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là các sản phẩm mới nhưng cần nhanh chóng đưa ra thị trường để thử nghiệm xem sản phẩm của họ có phù hợp với nhu cầu của khách hàng hay không, hơn nữa khi đã chứng minh được nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp lại càng cần mở rộng thị trường, cả trong nước và quốc tế một cách nhanh chóng. Nếu các công đoạn này không được triển khai đủ “nhanh”, các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST sẽ khó có thể trở thành doanh nghiệp thành công, không đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư và sẽ có nhiều khả năng đi đến thất bại.

Và doanh nghiệp chỉ có thể đạt được tốc độ cần thiết nếu họ được tạo điều kiện về các thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ cho công nghệ mới của mình cũng như cần được cấp các giấy tờ cần thiết để chứng minh tiêu chuẩn cho các sản phẩm mới của mình. Có những sản phẩm mà công nghệ mới ở Việt Nam hoặc tiêu chuẩn hàng hóa còn mới ở Việt Nam nhưng đã có mặt trên thế giới thì rất nên được tạo điều kiện để họ được bảo hộ và công nhận ở Việt Nam một cách nhanh chóng.

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST, Chính phủ đã có những cơ chế chính sách như thế nào để hỗ trợ tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp?

TS. Phạm Hồng Quất: Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, nhất là vai trò xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. Trong năm vừa qua, một vài điểm mốc quan trọng trong cơ chế, chính sách về khởi nghiệp ĐMST, ngoài Đề án 844 nêu trên còn có một số quy định quan trọng về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và công nhận các hình thức đầu tư tư nhân cho khởi nghiệp ĐMST được thể hiện trong Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trình Quốc hội.

Ngoài ra, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đã được Bộ Tài chính đưa vào Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp. Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam cũng sẽ có tác động tốt đến việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp vì nhiều trong số đó là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, Chính phủ còn cần làm rà soát và chỉnh sửa, bổ sung rất nhiều quy định trong cơ chế, chính sách của mình mới có thể xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hoàn chỉnh và thực sự hỗ trợ được các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST phát triển.

Năm 2016 được coi là năm quốc gia khởi nghiệp, ông có thể đánh giá như thế nào về hiệu ứng của hoạt động này?

TS. Phạm Hồng Quất: Có thể nói chưa bao giờ mà các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp được diễn ra rầm rộ và với các quy mô lớn như năm 2016. Trong đó có nhiều sự kiện, hoạt động hỗ trợ sự kiện ở cấp quốc gia, có sự tham gia và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ cũng như lãnh đạo các địa phương. Các phương tiện truyền thông cũng liên tục nhắc đến các câu chuyện khởi nghiệp thành công và bàn luận các vấn đề khởi nghiệp. Đây là dấu hiệu rất tốt chứng tỏ rằng từ Nhà nước đến người dân đều rất quan tâm và có cái nhìn tích cực, cổ vũ hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cũng chính là văn hóa khởi nghiệp. Khi mọi người hiểu người hiểu đúng về khởi nghiệp ĐMST, chấp nhận tính rủi ro, nguy cơ thất bại nhưng động viên tinh thần dám nghĩ, dám làm, sức sáng tạo của các doanh nhân khởi nghiệp ĐMST thì lúc đó hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, khi nhận được các tín hiệu tốt đó, ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm để đầu tư vào thị trường Việt Nam, và cả những tập đoàn lớn, nhà đầu tư trong nước cũng bắt đầu quan tâm đến thị trường này.

Có ý kiến cho rằng, hoạt động khởi nghiệp của chúng ta đang ở giai đoạn “chập chững”, và các DN khởi nghiệp đang gặp phải không ít những khó khăn khi bắt đầu. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

TS. Phạm Hồng Quất: Không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, hoạt động khởi nghiệp ĐMST là hoạt động khó và cần nhiều sự hỗ trợ. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam cũng vậy, mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, điều đó lại có nghĩa rằng chúng ta có lợi thế là người đi sau, có thể học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực ASEAN đồng thời kết nối chặt chẽ với họ, làm việc với tinh thần mở cửa để có thu hút được sự hỗ trợ, đầu tư từ các nước đó và xây dựng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam sao cho phù hợp.

Theo mục tiêu, đến năm 2020, sự kiến sẽ có 800 dự án với 200 doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ từ đề án này. Năm 2025, con số này sẽ tăng lên gấp 3 lần. Theo ông sẽ phải làm gì để đạt được những con số này?

TS. Phạm Hồng Quất: Cần nhất là sự đồng lòng, kết nối chặt chẽ giữa Ban Điều hành Đề án và các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thì các mục tiêu trên có thể đạt được vì Nhà nước không thể tự mình lựa chọn và hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Chính khu vực tư nhân và các tổ chức trung gian nhiều kinh nghiệm sẽ là các đơn vị tốt nhất để qua đó, Nhà nước có thể đưa hỗ trợ của mình đến doanh nghiệp một cách sát sao và nhanh chóng nhất.

Ông kỳ vọng gì về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2017 và những năm tiếp theo?

TS. Phạm Hồng Quất: Chúng tôi hy vọng trước hết về mặt nhận thức sẽ có thêm càng nhiều người hiểu về khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách ở các Bộ, ngành địa phương để các chính sách về khởi nghiệp có thể được xây dựng và triển khai một cách nhanh chóng nhất, phục vụ được nhu cầu của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng hoạt động khởi nghiệp ĐMST sẽ có sự tham gia nhiều hơn, sâu hơn từ các trường đại học, cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp ở địa phương và đặc biệt là cần sự hỗ trợ, đầu tư phù hợp từ các tập đoàn lớn và các quỹ đầu tư trong nước cho khởi nghiệp ĐMST.

Hà Thủy (thực hiện)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang