Tê giác quý hiếm 'bay' 16.500 km để tìm bạn tình

author 23:03 04/11/2015

(VietQ.vn) - Một con tê giác đực Sumatra quý hiếm đã được di chuyển bằng máy bay từ Vườn thú Cincinnati (Mỹ) tới Indonesia để tìm bạn tình giao phối trước nguy cơ tuyệt chủng.

Sự kiện: Thiên nhiên kỳ thú

Theo VnExpress, sau 5 tiếng đi máy bay, xe đò, xe tải qua quãng đường 16.500 km, con tê giác Sumatra đực duy nhất ở Tây bán cầu đã tới được nơi nó có thể tìm bạn tình phù hợp. Theo Earth Touch News, Harapan hay Harry, con tê giác đực 8 tuổi, rời vườn thú Cincinnati ở Mỹ hôm 30/10. Điểm đến của nó là Khu bảo tồn Tê giác Sumatra (SRS) trên đảo Sumatra, Indonesia, một cơ sở nhân giống nằm trong công viên quốc gia Way Kambas.

Harry, con tê giác cuối cùng sống ngoài khu vực Nam Á, đã tới tuổi giao phối và những nhân viên vườn thú Cincinnati hy vọng nó sẽ chọn được bạn tình phù hợp giữa ba ứng cử viên tiềm năng ở khu bảo tồn. Với khoảng 100 cá thể còn sót lại trong tự nhiên, tê giác Sumatra nằm trong danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. 

Tê giác đực Harry ở vườn thú Cincinnati, Mỹ được di chuyển bằng máy bay đến Indonesia

Tê giác Sumatra đực Harry ở vườn thú Cincinnati, Mỹ được di chuyển bằng máy bay đến Indonesia 

Vận chuyển một con tê giác nặng hơn 800 kg qua đại dương không phải nhiệm vụ dễ dàng. Đội nhân viên vườn thú đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi, tiến hành kiểm tra sức khỏe của Harry và mang theo chiếc chuồng di chuyển đặc biệt của nó. Chiếc chuồng gắn một cánh cửa, có thể mở ra ở nơi quá cảnh để cho tê giác ăn và kiểm tra y tế.

Hộ tống Harry là tiến sĩ Jenny Nollman, bác sĩ thú y của vườn thú, và Paul Reinhart, người trông coi con tê giác. Để đảm bảo con tê giác cảm thấy thoải mái nhất, những món ăn yêu thích của nó được cung cấp trong suốt hành trình. Vườn thú Cincinnati là nơi duy nhất ngoài Indonesia thành công với chương trình nhân giống tê giác Sumatra, và con non đầu tiên ra đời trong vườn thú năm 2001. 

Indonesia đã nói rằng họ không muốn bị lệ thuộc vào các nước khác trong công tác bảo tồn bằng cách gửi tê giác được lai tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, nước này nói rằng họ sẵn sàng nhận bất kỳ sự trợ giúp về công nghệ hay khoa học liên quan các chương trình nhân giống tê giác Sumatra, theo Người Lao Động.

Tê giác Sumatra ở Indonesia đang bị đe dọa nghiêm trọng do săn bắt tràn lan để lấy sừng sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc và nạn phá rừng của nông dân, lâm tặc và các công ty trồng dầu cọ.

Kim Trang (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang