Tên lửa Musudan ‘bảo bối’ bí ẩn nhất của Triều Tiên mạnh cỡ nào?

author 21:03 16/04/2017

(VietQ.vn) - Tên lửa Musudan dù hiện những thông số của nó vẫn còn nằm trong bí mật tuy nhiên theo nhiều nguồn tin cho biết, đây là vũ khí quân sự có thể đe dọa an ninh thế giới nếu khai hỏa.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Được biết, theo tin tức trên báo VnExpress, Triều Tiên bắn thử quả tên lửa Musudan đầu tiên vào ngày 15/4/2016 nhưng nó phát nổ chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng. Tiếp đến Triều Tiên bắn thử quả tên lửa Musudan thứ hai và thứ ba khoảng 13 ngày sau đó. Quả thứ hai bị rơi sau khi mới bay được hơn 1km và quả thứ ba thì bay được vài kilomet. Quả thứ tư được thử nghiệm trong ngày 31/5, đã phát nổ ngay trên bệ phóng di động.

Tuy nhiên, trong ngày 22/6, Triều Tiên đã phóng thử liền một lúc 2 quả tên lửa Musudan (Hwasong-10) tại thành phố biển miền đông Wonsan, quả thứ nhất rơi sau khi phóng, quả thứ hai được Triều Tiên tuyên bố "đạt tối đa mục tiêu đề ra". Khác với những lần trước đều thất bại, cuộc thử nghiệm lần này đã có những thành công, dù hạn chế và điều này khiến nhiều chuyên gia quân sự không khỏi lo lắng về sức mạnh của loại tên lửa bí ẩn này.

Tên lửa Musudan trong một lần phóng thử của Triều Tiên. Ảnh: Lao Động

Tên lửa Musudan trong một lần phóng thử của Triều Tiên. Ảnh: Lao Động

Việc Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa liên tục, giới quân sự Hàn Quốc nhận định, Triều Tiên không để tên lửa bay xa bằng cách bắn ở góc cao nhất có thể, điều này sẽ giúp thử nghiệm công suất động cơ IRBM. Mặt khác, Triều Tiên có lẽ muốn thử nghiệm việc cho tên lửa bay ra ngoài không gian rồi bay vào bầu khí quyển, phần quan trọng cho các tên lửa đạn đạo. Trong giai đoạn quay lại bầu khí quyển, tên lửa sẽ phải chịu áp lực và nhiệt độ rất cao. Với độ cao 1.000 km, tên lửa Triều Tiên có thể vượt qua khả năng phòng thủ của tên lửa đánh chặn Patriot đang được Hàn Quốc sử dụng. 

Báo Lao Động thông tin, giống như nhiều quả tên lửa đạn đạo khác của Triều Tiên, thông tin về tên lửa Musudan hiện vẫn nằm trong vòng bí mật. Nhưng giới quan sát tin rằng quả tên lửa này đã được Triều Tiên thai nghén ngay từ giai đoạn giữa những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ. Thời gian đó, Triều Tiên đã mời các chuyên gia, nhà thiết kế và kỹ sư tên lửa đạn đạo của Cục Thiết kế Makeyev tới giúp phát triển Musudan, dựa trên mẫu tên lửa R-27 Zyb của Liên Xô.

Triều Tiên cũng quyết định rằng do xe vận tải và phóng tên lửa di động MAZ-547A/MAZ-7916 của quân đội Triều Tiên có tải trọng 20 tấn, trong khi tên lửa R-27 Zyb chỉ nặng có 14,2 tấn, bình chứa nhiên liệu của nguyên mẫu R-27 Zyb sẽ được kéo dài thêm 2m để tăng tầm bắn cho Musudan. Ngoài ra, đầu đạn được giảm từ mẫu 3 đầu đạn độc lập xuống còn 1 đầu đạn, nhằm làm giảm sự phức tạp trong hoạt động chế tạo.

Theo giới quân sự phân tích thì tên lửa Musudan có chiều dài 12m, đường kính 1,5m, được thiết kế để dùng nhiên liệu lỏng. Sau khi nhiên liệu được bơm đầy vào tên lửa, nó có thể duy trì trạng thái “sẵn sàng phóng” trong nhiều ngày, hoặc nhiều tuần như tên lửa R-27. Nhưng do Musudan dài hơn R-27 và cấu trúc của nó không đủ vững chắc và an toàn để di chuyển khi đã nạp đầy nhiên liệu nên việc nạp nhiên liệu thường diễn ra ngay tại điểm phóng.

Giới quan sát ban đầu cho rằng động cơ tên lửa của Musudan được lấy từ tầng 2 của tên lửa đạn đạo Taepodong-2. Tuy nhiên các phân tích cuộc phóng tên lửa mang vệ tinh Unha-3, được cho là dựa trên mẫu Taepodong-2, cho thấy tầng 2 không dùng nhiên liệu lỏng như R-27. Hiện vẫn chưa thể xác định Musudan dùng động cơ tên lửa loại nào.

Uy lực khủng khiếp tên lửa đạn đạo Sineva bay gần nửa vòng trái đất của Nga(VietQ.vn) - Tên lửa đạn đạo Sineva của Hải quân Nga có khả năng đem đầu đạn hạt nhân vượt gần nửa vòng trái đất và có sức công phá kinh hoàng gần 1 triệu tấn thuốc nổ TNT.

Trên lý thuyết, Musudan có thể bắn xa tới 4.000km. Giống như R-27, nó có thể trang bị một đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng tới hơn 1 tấn. Hai yếu tố này cho thấy Musudan là vũ khí thực sự đáng sợ một khi được phát triển hoàn chỉnh. Và sự tiến triển khá nhanh của Triều Tiên trong việc nghiên cứu Musudan đã khiến Mỹ cùng đồng minh rất lo ngại.

Việc Triều Tiên sẵn sàng bắn thử tên lửa Musudan và SLBM, hết quả này tới quả khác, các cuộc thử mới chỉ trong một thời gian ngắn ngay sau thất bại, là điều rất bất thường. Một mặt, nó cho thấy sự vội vã của Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa đạn đạo, nhưng mặt khác cũng cho thấy quyết tâm sắt đá của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong việc nhanh chóng củng cố kho tên lửa và vũ khí hạt nhân của đất nước bí ẩn nhất thế giới này.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang